Hai cha con “người rừng” những ngày đầu hòa nhập cộng đồng, họ được hưởng những hạnh phúc mà người không ở rừng cho họ, nhưng họ lại muốn điều khác.
Hộ khẩu, chứng minh thư, phong bì
Sự việc “giải cứu” hai cha con “người rừng” là Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang tại Tây Trà, Quảng Ngãi nhiều ngày nay đã khiến dư luận quan tâm chú ý.
Sự kiện nóng tới mức ngay lập tức chính quyền địa phương và những người thân đã tạo nhiều điều kiện để hai người từ rừng ra thích nghi với cuộc sống.
Theo UBND xã Trà Phong, huyện Tây Trà, trước mắt sẽ làm thủ tục để nhập hộ khẩu cho cha con “người rừng” vào hộ khẩu của gia đình anh Hồ Văn Tri là con trai ông Thanh và là em ruột của "người rừng" Hồ Văn Lang, đồng thời làm chứng minh nhân dân cho cha con ông.
Chia sẻ với báo chí, Ông Hoàng Anh Ngọc, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cho biết, huyện sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí 40 triệu đồng để hỗ trợ cha con ông Hồ Văn Thanh xây dựng nhà ở.
Cũng theo ông Ngọc, huyện cũng đã chỉ đạo cho các bộ phận liên quan nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để nhập hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân cho cha con “người rừng”.
Chính quyền địa phương cũng đang hoàn thiện thủ tục để ông Thanh được hưởng chế độ bởi trước đây ông đã từng là bộ đội chính quy.
Hiện tại, chính quyền địa phương cũng đã chọn được 2 địa điểm xây dựng nhà cho cha con “người rừng” và đang chờ gia đình lên xem, quyết định, nếu phù hợp sẽ xây nhà ngay. Được biết, 2 địa điểm này gần với nơi sinh hoạt của bà con người Cor ở ngoài bìa rừng.
Chán cầm tiền
Những ngày đầu hòa nhập với cộng đồng, hai cha con Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang ngây ngô nhìn cuộc sống chẳng khác gì những đứa trẻ.
Anh Hồ Minh Lâm, người anh con bác ruột của anh Lang, kể lại với một phóng viên, buổi tối ngủ trong căn nhà ngói, nền lát gạch hoa, đôi mắt của “người rừng” Lang cứ liếc ngang, liếc dọc, miệng cứ lầm bầm gì đó.
Khi phóng viên này mời điếu thuốc lá có đầu lọc, “người rừng” Loan rụt rè không dám đưa tay ra cầm. Đến khi anh Lâm nói bằng tiếng Cor, “người rừng” Loan mới dám lấy điếu thuốc và tỏ vẻ sợ sệt khi được dùng máy lửa mồi thuốc cho anh.
Qua lời “phiên dịch” của anh Lâm, “người rừng” Lang chê thuốc đầu lọc dở hơn loại thuốc mà cha con anh tự trồng trong rừng để hút.
Anh Lang không ăn được những món ăn do người thân nấu, món nào anh cũng chê dở, chỉ ăn được bánh ngọt và uống sữa. Có lẽ, người đàn ông này đã quen với những thức ăn mà hai cha con tự trồng trọt, săn bắn.
Thấy hoàn cảnh cha con “người rừng” đáng thương, nhiều người dân kéo đến cho anh Lang một ít tiền. Đối với “người rừng” Lang, những tờ tiền mà anh cầm trên tay quá lạ lẫm, chưa nhìn thấy bao giờ nên chẳng thích thú gì.
Anh Lâm kể lại, lần đầu tiên nhìn thấy tivi, anh Lang còn sợ sệt không dám nhìn thẳng, sau nhiều ngày mới quen được với những âm thanh phát ra từ “cái hộp”.
Hạnh phúc thật?
Cha con người đã đưa ra ước nguyện của hai con người hoang dã này, họ tha thiết, mong mỏi được về rừng, được trở lại với cuộc sống ngày xưa của họ hơn là được hưởng những tiện nghi tiện ích của loài người.
Cha anh Lang, ông Thanh luôn thốt lên giọng điệu thương nhớ núi rừng: “tra xú mờ gót” (muốn trở về rừng, thăm rẫy). Ở làng có người hỏi anh Lang: “xun manh lé” (thích ở đâu), Lang đáp không chần chừ: “manh gốc” (thích ở rừng).
Chắc hẳn, sẽ còn nhiều đêm, anh Lang ngủ chập chờn giữa cộng đồng với những giấc mơ mông lung. “Manh gốc, manh gốc”!
Theo Đất Việt.