Bất thường nhập siêu từ Trung Quốc Nhập siêu từ Trung Quốc kéo dài sẽ gây thất thoát ngoại tệ không nhỏ, “ăn” hết phần xuất siêu sang các quốc gia khác mà chúng ta đã nỗ lực đạt được

 Với tỉ lệ hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là hàng trung gian phục vụ sản xuất, hiện Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu từ Trung Quốc (TQ) khiến nhập siêu từ thị trường này ngày càng đáng lo ngại. Trong khi đó, sản xuất trong nước ngày càng tăng, ngành công nghiệp phụ trợ còn hạn chế, việc phụ thuộc nguyên liệu TQ dự báo sẽ càng lớn nếu như Việt Nam không có giải pháp cải thiện mạnh mẽ.

Phụ thuộc quá nhiều

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tốc độ tăng nhập siêu giai đoạn 2001-2008 là 85%, đến giai đoạn 2009-2013 đã giảm còn 17%. Tỉ lệ giá trị nhập siêu/xuất khẩu cũng có chuyển biến lớn, nếu năm 2008 tỉ lệ trên đạt 255% thì đến năm 2012 còn 133%. Tỉ trọng các nhóm hàng xuất khẩu công nghiệp có giá trị gia tăng lớn được nâng cao, nhóm nguyên nhiên liệu và khoáng sản xuất sang TQ giảm dần. Cụ thể, giai đoạn 2009-2012, nhóm tỉ trọng hàng công nghiệp giá trị cao đã tăng từ 10%-40%, nhóm hàng nông sản tỉ trọng tăng từ 20%-30%, nhóm hàng nguyên nhiên liệu giảm từ 55% còn 18,7%. Trong đó, việc nhập khẩu nguyên - nhiên - vật liệu sản xuất như máy móc, thiết bị, phân bón, hóa chất, xăng dầu, vải vóc… chiếm tới 70%-80% kim ngạch nhập khẩu.

 

 

Tuy nhiên, dù tỉ lệ phần trăm tăng kim ngạch nhập khẩu có giảm nhưng con số thực tế nhập siêu lại đang ở mức rất đáng lưu tâm. Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), cho biết nhập siêu từ TQ năm 2000 chỉ 210 triệu USD nhưng đến năm 2012 đã là 19 tỉ USD và tính đến hết 10 tháng đầu năm nay đã lên 19,6 tỉ USD, tăng 93 lần!

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận định nhập siêu từ TQ với quy mô lớn như trên là hiện tượng không bình thường. Mặc dù nhập khẩu lớn từ nước láng giềng chủ yếu là hàng trung gian phục vụ sản xuất nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ tạo ra kênh thất thoát ngoại tệ khủng khiếp. “Chúng ta nỗ lực xuất siêu sang một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ và khu vực EU… nhưng chỉ cần phần thâm hụt lớn trong cán cân thương mại với TQ là có thể “ăn” hết phần nhập siêu đạt được” - TS Nguyễn Minh Phong nói.

Hơn nữa, theo ông Phong, nhập siêu còn gây ra rất nhiều hệ quả xấu như bị phụ thuộc kinh tế; giảm việc làm, thu nhập; nguy cơ lớn đe dọa ngành sản xuất nội địa khi không thể cạnh tranh về giá, người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng TQ với giá rẻ mặc dù chất lượng kém, ảnh hưởng đến sức khỏe…

Phải tìm cách tăng năng lực cạnh tranh

TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng trong chuyện nhập siêu, cần có cái nhìn 2 chiều bởi đó vừa là cơ hội vừa là thách thức với nền kinh tế Việt Nam. “Phải nhìn mối quan hệ Việt Nam - TQ trong tổng thể mạng sản xuất toàn cầu. Không chỉ Việt Nam mà cả khu vực ASEAN hay Nhật Bản cũng có mối quan hệ phụ thuộc vào TQ và ngược lại. Trong mối quan hệ phụ thuộc đó, việc chia sẻ lợi ích giữa các bên như thế nào là cả một câu chuyện có liên quan đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong quá trình hội nhập. Hiện chúng ta tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu nhưng cách tham gia yếu ớt, năng lực cạnh tranh kém” - TS Võ Trí Thành nêu vấn đề.

Cũng theo ông Thành, nếu lượng lớn hàng trung gian nhập về được các DN tạo ra sản phẩm xuất khẩu thì hoàn toàn không gây thâm hụt thương mại nhưng thực tế là hàng trung gian lại được các DN gia công phục vụ tiêu dùng trong nước nên giá trị gia tăng kém, thâm hụt thương mại lớn.

Đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng trên, TS Võ Trí Thành cho rằng cần điều hành dòng vốn hiệu quả, nâng cao vai trò của DN tư nhân, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh liên kết ngành để tạo sân chơi bình đẳng, không chỉ với TQ mà còn trong mối quan hệ với những đối tác khác. “Vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh là nỗ lực của cả Chính phủ và bản thân DN. Cần nhìn nhận mối quan hệ này như trò chơi toàn cầu nên điểm cốt lõi là cần phải có chính sách cải cách mạnh mẽ như tái cấu trúc nền kinh tế” - ông Thành đề xuất.

Theo Người lao động.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC