Bẽ bàng giấc mơ người Việt mua ôtô giảm trăm triệuThuế nhập xe giữ nguyên, phải nộp 10 loại thuế phí, xe nội vẫn trong mơ là những thông tin bẽ bàng dành cho người tiêu dùng muốn sở hữu ôtô.

 Thuế nhập vẫn là 50%

Ngày 19/12, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã bác bỏ thông tin hàng loạt xe ô tô giảm giá hàng trăm triệu trong thời gian tới.

VAMA cho biết chưa nhận được thông tin về giảm thuế từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN. Vì vậy, thuế nhập sẽ vẫn là 50% như hiện tại.

Cam kết giảm thuế xuống 0% vào năm 2018 phải có lộ trình và Bộ Công Thương đã kiến nghị giữ mức 50% đến hết năm 2017.

Còn Bộ Tài chính thì kiến nghị giảm tới 30% vào 2017. Tuy nhiên, lộ trình và các kiến nghị này đang phải chờ Chính phủ phê duyệt. Cũng theo VAMA, biểu thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với ô tô hiện nay là không đổi.

Trước đó, trong bản dự thảo quy hoạch ngành công nghiệp ôtô đã được công bố, Bộ Công Thương đề xuất mức ưu đãi chung là giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký lần đầu. Đáng lưu ý, Chính phủ cũng tập trung ưu đãi mạnh cho dòng xe chở người dưới 9 chỗ, dung tích xi lanh dưới 2.0L và đạt tỉ lệ nội địa hóa tối thiểu 25% trở lên.

Đặc biệt, theo lộ trình gia nhập AFTA, từ năm 2014 đến 2018, thuế suất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ hạ dần xuống 0%. Cụ thể, trong năm 2014, mức thuế nhập khẩu sẽ giảm còn 50%, năm 2015 còn 35%, năm 2016 còn 20%, năm 2017 là 10% và 2018 là 0%.

Bẽ bàng giấc mơ người Việt mua ôtô giảm trăm triệu_0
Không có chuyện giảm giá hàng trăm triệu đồng 1 chiếc xe ô tô nhập khẩu

3 thuế, 7 phí cho một chiếc xe

Cho đến nay, người tiêu dùng Việt Nam phải đóng nhiều loại thuế và phí khi mua và sử dụng một chiếc ôtô như, khi phải chịu 3 loại thuế và 7 loại phí. 

Hiện tại, xe ôtô du lịch mới nhập khẩu về Việt Nam phải chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu (TNK) bằng 82%, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) bằng 30% đối với loại xe trên 5 chỗ ngồi và 50% đối với xe dưới 5 chỗ ngồi, cuối cùng là thuế Giá trị gia tăng (GTGT) bằng 10%.

Bên cạnh đó, người mua xe sẽ phải chịu tổng cộng 7 loại phí bao gồm: phí trước bạ, phí biển số, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn, phí bảo trì đường bộ.

Ngoài ra, còn 2 loại nữa là phí lưu hành và phí vào nội đô giờ cao điểm đang được đề xuất chờ thông qua.

Điều đáng nói là mức chênh lệch giá xe, các khoản phí của chúng ta lại cao hơn tới 2,5 lần một nước phát triển như nước Mỹ.

Cụ thể, cộng tất cả các khoản thuế và phí lại, nếu muốn sở hữu một chiếc Hyundai SantaFe nhập khẩu, người tiêu dùng phải bỏ ra khoảng 83.000USD (tương đương với hơn 1,7 tỷ đồng), trong khi chiếc xe này có giá tại Mỹ chỉ là 23.000USD và người dân Mỹ cũng chỉ phải chi tổng cộng 35.000USD để chạy chiếc xe này trên đường.

Doanh nghiệp sản xuất ô tô nội lại xin cơ chế

Trong khi người tiêu dùng phải móc túi chi cho ô tô nhập ngoại hoặc ô tô ngoại lắp ráp trong nước, thì giấc mơ mua ô tô nội giá rẻ có thể không thành hiện thực.

Trong một diễn biến liên quan, hồi tháng 7/2014, Thủ tướng đã ký liên tiếp hai quyết định phê duyệt chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhằm thực hiện chiến lược và quy hoạch giai đoạn mới, hiện Bộ Công Thương cũng đang xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới cho công nghiệp ôtô.

Theo đó, về cơ bản ngành công nghiệp ôtô sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi về thuế, lãi suất vốn vay hay ưu đãi về sử dụng đất, dự án… như đã được hưởng trong suốt gần 20 năm qua.

Không những vậy, một số doanh nghiệp lớn cũng đã trực tiếp “xin” thêm các cơ chế ưu đãi cho mình.

Cụ thể, hồi giữa tháng 11/2014, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kiến nghị giữ trần các mức thuế suất thuế xe nhập khẩu xe nguyên chiếc theo các cam kết hiệp định thương mại FTA, nhất là với các cường quốc công nghiệp ôtô như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Giảm dần thuế suất theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN xuống đến mức 30% vào năm 2017 trước khi về 0% vào năm 2018; bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe bus 16-24 chỗ ngồi; miễn trừ thuế đất cho các doanh nghiệp sản xuất xe tải, xe bus; giảm lệ phí trước bạ xuống mức 5-7%; ưu đãi cho vay dài hạn (15-20 năm) với lãi suất từ 0-3% cho đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ hoặc bù 100% lãi suất trong 5 năm đầu.

Xin nhiều cơ chế, nhưng thực tế đáng buồn là sau gần 20 năm vừa được hưởng chính sách ưu đãi chung của ngành, vừa được uống nguồn sữa là ngân sách nhà nước, lại vừa được hưởng lợi từ nhiệm vụ liên doanh với các tập đoàn ôtô thế giới song đến nay, những kết quả mà các doanh nghiệp này đạt được là không đáng kể.

Sự bành trướng của xe nhập khẩu tại sự kiện lớn nhất trong năm của ngành ôtô đó là kỳ triển lãm Vietnam Motor Show 2014, vừa kết thúc tại Tp.HCM chính là một lời khẳng định.

Kỳ triển lãm năm 2014 có sự tham gia của 18 thương hiệu, trong đó diễn ra sự cân bằng giữa 9 thương hiệu nhập khẩu chính hãng với 9 thương hiệu lắp ráp trong nước.

Không chỉ là kỳ triển lãm quy mô nhất mà đây cũng là lần đầu tiên có sự tham gia của nhiều thương hiệu nhập khẩu nhất.

Cách đây hai năm, trong lần đầu tiên các nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng được tham gia vào kỳ triển lãm do Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam  tổ chức, số lượng thương hiệu nhập khẩu chỉ ở con số 6.

Thái Linh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC