Bệnh của độc quyềnNhìn vào hành xử oái oăm của ngành điện và ngành xăng dầu mà như Ts. Nguyễn Đức Thành, ĐHQGHN đánh giá là do "cấu trúc ngành độc quyền cho phép họ làm như vậy", người dân có thể bóc tách rất nhiều những căn bệnh mà độc quyền gây ra.

Suốt ngày đuổi theo giá

Chuyên gia Nguyễn Trung từng đặt câu hỏi "liệu có quốc gia nào giống Việt Nam, suốt ngày người dân phải đuổi theo giá? Can cớ của nó không gì khác chính là cơ chế độc quyền".

Xét trên khía cạnh giá cả, cơ chế thị trường và cơ chế độc quyền tạo nên hai xu hướng đối lập nhau.

Tháng 4 năm 2008, giá một chiếc ti vi màn hình tinh thể lỏng giá là 15 triệu đồng. Cũng chiếc TV đó, nhưng giá hiện nay chỉ là 10 triệu đồng. Người tiêu dùng được lợi 5 triệu đồng. Đó là vì có nhiều hãng sản xuất loại ti vi đó cạnh tranh với nhau, giảm giá để thu hút khách.

Trong khi đó với xăng dầu, điện, hay một số ngành độc quyền khác, người tiêu dùng hầu như không được thụ hưởng chiều hướng giảm giá này. 

Trong môi trường cạnh tranh, áp dụng cơ chế thị trường, DN không đặt giá đúng, tự họ sẽ triệt tiêu năng lực cạnh tranh đảm bảo cho sự tồn tại của DN mình. Trong khi đó, với cơ chế độc quyền, DN có quyền áp đặt từ sản lượng tới giá thành mà người tiêu dùng vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận.

Độc quyền còn cho phép DN độc quyền ép giá các nhà đầu tư khác. Cách đây một thập kỷ, công ty Oxbow của Mỹ xin xây dựng nhà máy nhiệt điện 650MW ở Quảng Ninh. Cả Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm trong Chính phủ thời đó rất ủng hộ dự án. Nhưng, EVN chỉ khăng khăng mua điện với giá chưa đến 4 cent/KWh, mức giá rất thấp.

Ts. Nguyễn Đức Thành (ĐHQG Hà Nội) phân tích, các DN luôn dựa vào cấu trúc thị trường để tăng giá khác nhau. DN chiếm giữ sức mạnh thị trường lớn sẽ chi phối giá. Với cấu trúc ngành độc quyền, khi một yếu tố bên ngoài tác động vào, sức mạnh tăng giá của DN khuếch đại lớn hơn rất nhiều so với tác động thực tế trong cơ chế thị trường.

Bệnh của độc quyền

Độc quyền gây ra rất nhiều bệnh. Được bầu sữa ngân sách rót tiền, rót vốn, để đầu tư sản xuất điện, nhập xăng dầu, đảm bảo cung cấp đủ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhưng mỗi khi có cơ hội, các DN độc quyền đều ưu tiên và cố tình đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên.

Trước đó, ngành điện lúc nào cũng kêu thiếu vốn, nhưng vẫn đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực không phải là trọng tâm trọng điểm là tài chính ngân hàng, thậm chí dự định đầu tư cả bất động sản.

Tập đoàn điện lực còn mắc thêm bệnh nhà giàu, đó là xin tiền thưởng quá lớn. Cho dù không lo đủ điện cho nền kinh tế theo đúng nhiệm vụ Chính phủ giao, nhiều công ty phân phối điện vi phạm kỷ luật, nhưng vẫn xin thưởng 1.002 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở nhiều cơ quan, trong hàng trăm người lao động, cũng chỉ có số ít người đạt thành tích chiến sỹ thi đua, nhận thưởng vài trăm nghìn đồng cũng đã vui, thì 84.000 cán bộ ngành điện, dù hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ, vẫn được đề nghị thưởng tới 3 tháng lương.  

Độc quyền cũng còn dẫn đến thiếu minh bạch, thậm chí là nói dối. Độc quyền đồng nghĩa với việc anh có quyền đóng kín cửa. Hệ quả là không ai biết chính xác lãi lỗ của các ngành xăng dầu hay điện ra sao, sử dụng tiền ngân sách mà thực chất là tiền của nhân dân đóng góp hiệu quả thế nào.

Nhiều năm qua, ngành điện luôn kêu gào là lỗ, nhưng con số được ngành điện công bố là lãi, thậm chí lãi lớn, năm nay khoảng 6.000 tỷ đồng.

Tổng công ty xăng dầu, nói là đã nhập quá nhiều xăng dầu giá cao từ trước nên không thể giảm giá mạnh, nhưng nhập bao nhiêu, chênh lệch giá thế nào thì không thực rõ ràng.  

Một bệnh xấu nữa của độc quyền là trì trệ. Ví dụ đầu tiên của bài này cho thấy, các hãng ti vi tự động nhìn nhau giảm giá, còn xăng dầu lại nhìn nhau trì hoãn giảm giá, điện thì đề xuất tăng giá.

Hơn nữa, điện hay xăng dầu là sản phẩm mà ngày nào cũng phải dùng đến. Chậm ngày nào dân mất thêm tiền ngày đó.

Dù có 9 đầu mối nhập khẩu cung ứng xăng dầu, nhưng 8 "ông" DN nhỏ đứng chờ động thái của Tổng công ty xăng dầu, trong khi Tổng công ty xăng dầu lại dường như ngủ quên.

Với ngành điện, một số đơn vị phát điện đã không ít lần phàn nàn bệnh ông lớn của Tập đoàn điện lực khi từ chối mua điện của họ, hay thủ tục hợp đồng mua bán quá phức tạp, mất nhiều thời gian.

Có đơn vị ngoài ngành điện đang đầu tư khâu phát điện thì kêu thời gian đàm phán với EVN lên đến 2 năm, thậm chí có dự án đến 6 năm. Trì hoãn, khó khăn như vậy, nhà đầu tư không mấy thiết tha bỏ tiền vào lĩnh vực này cũng là điều dễ hiểu.

Độc quyền còn có thể dẫn đến lãng phí. Một giám đốc công ty đầu mối xăng dầu khẳng định, định mức chi phí quản lý của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam chắc chắn lớn hơn DN của ông này. Cho đến nay thì thất thoát xăng dầu, thất thoát điện cụ thể là bao nhiêu, vẫn chưa có con số chính xác. Tổn thất này lẽ đương nhiên sẽ được các DN tính vào chi phí. Hậu quả là người tiêu dùng và nền kinh tế chịu tác hại  xấu.

Lắm bệnh như thế, nên chừng nào còn độc quyền, chừng nào nhà nước chưa xử lý mạnh tay với các” quý tử” này thì các căn bệnh của độc quyền vẫn tồn tại gây hại cho nền kinh tế.

Phàm những gì không phải chân lý, hay định luật thì đều có thể thay đổi được. Do vậy những căn bệnh độc quyền vẫn có thể chữa trị nếu có cơ chế kiểm soát tốt. Đầu tiên phải bắt đầu từ minh bạch các thông tin về các doanh nghiệp này, tiếp đó là tạo thêm nhiều doanh nghiệp cùng ngành để cạnh tranh. Hiệu quả này được minh chứng rõ từ việc hình thành nhiều nhà cung cấp dịch vụ di động trong ngành viễn thông vài năm trước. Kết quả là người tiêu dùng và nền kinh tế sẽ hưởng lợi.  

  • Vũ Dũng – Đức Thành




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC