Khu đất được cho là có giá “kim cương” được quy hoạch thành công viên cuối cùng đã trở thành nhà của các cán bộ hàng đầu tỉnh Lào Cai.
3 trong số các câu chuyện nóng nhất mạng xã hội ngày hôm qua đều là những câu chuyện “khó tin nhưng có thật”.
Câu chuyện thứ 1
Đó là chuyện về khu đất được mệnh danh là “kim cương” vì có vị trí đắc địa ở phường Kim Tân, TP Lào Cai với 6 lô biệt thự đều của các quan chức đầu tỉnh.
Báo Tuổi trẻ cho biết, vị trí đắc địa này trước đã được quy hoạch thành công viên, tuy nhiên từ năm 2004 nhưng khi Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai tiếp nhận để làm dự án từ Sở Xây dựng Lào Cai thì quy hoạch tổng mặt bằng của khu đất đã là xây lô, phân nền.
Khu 6 biệt thự này có nhiều gia đình lãnh đạo tỉnh đang sinh sống.
Trong đó có nhà của Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Huyện ủy Sa Pa và gia đình một cán bộ biên phòng tỉnh.
Một điểm khá trùng hợp ngẫu nhiên khi khu đất có giá trị với những biệt thự này lại đều thuộc về các quan đầu tỉnh Lào Cai.
Vì vậy không thể không có những “dị nghị” về sự trùng hợp này.
Tuy nhiên, trả lời trên báo Tuổi trẻ, các quan chức của tỉnh Lào Cai cho biết, tất cả quá trình đấu giá khu đất đều được tiến hành công khai, minh bạch, giá tiền theo đúng quy định của nhà nước.
Câu chuyện thứ 2
Câu chuyện thứ 2 gây xôn xao là chuyện ông Phạm Nông - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bổ nhiệm con trai từng mắc bệnh động kinh vào vị trí Phó trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh - xét nghiệm của bệnh viên nơi ông làm Giám đốc.
Điều đáng nói là anh Phạm Trung Hiếu (SN 1987) được bổ nhiệm “thần tốc”, chỉ sau 6 tháng khi anh Hiếu được nhận về làm việc ở bệnh viện, ông Phạm Nông đã ký quyết định bổ nhiệm cho con mình.
Trao đổi với PV báo Vietnamnet, ông Nông cũng thừa nhận, con trai mình bị bệnh động kinh, trong quá trình làm việc đã phát bệnh mấy lần, nhưng gần đây đã điều trị hết bệnh.
“Khi có phản ánh này đến báo chí tôi rất day dứt vì lúc Hiếu mới tốt nghiệp ra trường nó không muốn về Đồng Tháp làm việc. Nhưng tôi thấy mình có một đứa con trai nên khuyên Hiếu nên về Đồng Tháp làm việc với tôi. Vậy mà bây giờ có những phản ánh như thế này tôi rất đau lòng”, ông Nông nói.
Câu chuyện thứ 3
Câu chuyện thứ 3 xảy ra ở Cà Mau, để được xét hộ cận nghèo, chính quyền địa phương xã xã Hòa Thành, TP Cà Mau đã dời hộ khẩu bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng (vợ ông Hồ Vũ Phong, phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Hòa Thành) từ ấp Tân Phong A sang ấp Tân Hóa.
Sau đó, bà Phượng được “gửi” vào hộ khẩu của gia đình bà Đào Thị Hoa.
Trên hộ khẩu thể hiện bà Phượng là con của bà Hoa dù cả hai không có quan hệ ruột thịt.
Điều đáng nói, dù sổ hộ khẩu bà Hoa có thêm một thành viên mới nhưng chủ hộ lại không hề hay biết. Việc này mới bị phát giác và chính quyền TP Cà Mau đang chỉ đạo thu lại sổ hộ nghèo đã cấp cho bà Phượng và 1 số hộ khác cũng dùng cách “chuyển hộ khẩu” này.
“Tham đến thế là cùng”, “ăn chặn không chừa 1 thứ gì cả, con bò, con gà, rồi bây giờ tới cái sổ hộ nghèo cũng chặn lại mà ăn, thiệt là hết biết, chịu thua luôn”… là những bình luận bức xúc của độc giả trên mạng.
Quả thật, cái chiêu đem vợ mình “gửi” vào làm con nhà khác để được xét là hộ nghèo, chỉ có vị phó bí thư đảng ủy xã Hòa Thành mới nghĩ ra được.
3 câu chuyện này cho thấy một sự ngẫu nhiên, đó là một khi đã có chức vụ, nhiều người đều cố để đạt được chút lợi ích gì đó cho bản thân và gia đình.
6 ngôi biệt thự ở vị trí đắc địa đều ngẫu nhiên thuộc về các quan chức đầu tỉnh. Ông bố làm Giám đốc bệnh viện thì cố để bổ nhiệm con trai mình làm phó trưởng khoa thật nhanh. Phó Bí thư Đảng ủy xã để vợ mình phải “gửi” sang nhà khác mới kiếm được sổ hộ nghèo.
Trong 3 câu chuyện này, hoàn toàn không có sự xuất hiện của người dân. Đó cũng là một sự ngẫu nhiên rất đáng để suy nghĩ.
Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt