Như đã thông tin, việc chuyển đổi từ trạm “thu phí” sang “thu giá” BOT, theo Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể “đây không phải do Bộ tự đặt ra mà do Nghị định của Chính phủ quy định” đang nhận được nhiều quan tâm từ dư luận.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cho biết: “Trước hết, cần phải xem xét bản chất của việc “thu phí” và “thu giá” có khác nhau hay không?
Trong đó, giá và phí có sự mập mờ để né tránh sự giám sát của các cơ quan quản lý trong hoạt động thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ không?”.
Chuyên gia giao thông cho rằng, bộ GTVT không có quyền đổi trạm "thu phí" sang "thu giá".
TS. Đức phân tích: “Đổi từ “thu phí” thành “thu giá” xuất phát từ luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua, có quy định phí sử dụng đường bộ nên bộ GTVT mới được phép thu phí. Thực chất, thu phí và lệ phí phải do Quốc hội hoặc Chính phủ quy định mới được gọi là phí. Nếu không có luật thì bộ GTVT không được phép thu tiền của dân”.
“Việc bộ GTVT chuyển đổi như vậy có nhiều vấn đề cần phải được giải đáp rõ ràng cho người dân hiểu. Bản chất của từ “thu phí” và “thu giá” là rất khác nhau, trong đó, “thu phí” là do Quốc hội hoặc Chính phủ quy định còn “thu giá” là do doanh nghiệp hoặc cơ quan nào đó cung cấp dịch vụ đưa ra”, TS. Đức nói.
Nói về thẩm quyền của bộ GTVT khi đổi từ trạm “thu phí” thành “thu giá” BOT, TS. Đức nói: "Trong việc đổi tên này, bộ GTVT không có thẩm quyền quyết định để đổi từ “thu phí” sang “thu giá”. Bộ GTVT không thể muốn đổi là đổi được. Nếu không được Quốc hội đồng ý mà bộ GTVT vẫn đổi thì chẳng khác nào “ngồi lên luật”".
Cũng theo TS. Đức chia sẻ, việc chuyển đổi này, người dân hoàn toàn có quyền thắc mắc để đòi hỏi quyền lợi cho mình vì nó tác động trực tiếp tới họ. Thực tế, nói đúng hơn thì phải gọi là “phí sử dụng đường bộ”, người dân sử dụng thì trả tiền.
Việc chuyển đổi này, bộ GTVT đều có mục đích riêng của mình vì mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án. Cho nên, về bản chất, khi chuyển từ “thu phí” sang “thu giá” BOT thì bộ GTVT sẽ là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá khi có các yếu tố biến động.
Trong khi đó, nếu vẫn để là trạm thu phí thì bộ GTVT không có quyền điều chỉnh phí dịch vụ vì điều chỉnh phí là thẩm quyền của bộ Tài chính. Vì vậy, việc chuyển đổi này nhằm mục đích làm tăng thẩm quyền của bộ GTVT trong việc điều chỉnh và đưa ra mức thu giá tại các trạm BOT để không phải phụ thuộc vào bộ Tài chính nữa.
Đồng tình quan điểm này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường Bộ, trường đại học Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, việc chuyển đổi từ trạm “thu phí” sang trạm “thu giá” BOT đều có chủ đích của bộ GTVT nhằm tạo thuận lợi để bộ này dễ quản lý hơn trong việc thu giá. Nói chuẩn ra thì phải gọi đây là trạm “thu phí sử dụng đường bộ”.
Qua đó, PGS.TS. Toản cho hay: “Bộ GTVT không thể nói chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, vì Bộ không có thẩm quyền thay đổi quy định này. Việc này phải do Quốc hội quyết định vì việc “thu phí” xuất phát từ luật Phí và lệ phí đã được Quốc hội thông qua”.
Cũng theo PGS.TS. Toản, mặc dù có thay đổi tên gọi đi chăng nữa thì người dân vẫn phải trả tiền khi sử dụng đường bộ.
Việc “thu phí” là dùng cho những dịch vụ công chứ không phải các dịch vụ thông thường đã được quy định tại luật Phí và lệ phí. Bộ GTVT cần phải giải thích rõ cho người dân hiểu mục đích của việc chuyển đổi tên này để tránh những phản ứng xấu từ dư luận.
Thực tế, nếu cứ để là trạm “thu phí” thì việc tăng giảm phí bộ GTVT sẽ phải phụ thuộc vào bộ Tài chính nhưng nếu để là trạm “thu giá” thì sẽ tạo điều kiện cho bộ GTVT hơn.
Vì mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án được bộ GTVT và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án.
Qua đó, khi chuyển từ “thu phí” sang “thu giá” BOT thì bộ GTVT sẽ là cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh giá mà không cần phải phụ thuộc vào bộ Tài chính.
Thế Anh - Người đưa tin