Bỏ tiền mua hàng như đi đánh bạcCứ giao dịch với máy móc, lại thấy "tim đập, chân run": Rút tiền ATM, thẻ ra tiền ở lại, không thể kiểm tra được tài khoản, cũng không truy nổi dấu vết giao dịch. Máy bán hàng tự động chỉ nuốt tiền, miễn trao hàng...

Nỗi ám ảnh "ATM"

Các cột ATM ra đời hứa hẹn tăng tiện ích cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Ngược lại, khách "lãnh" nỗi ám ảnh máy ATM sẽ... nuốt mất tiền, cảm giác đi ngân hàng mà như bị mất cắp.

Để chống nỗi sợ ATM, nhiều khách yêu cầu ngân hàng lắp camera để bảo vệ an toàn cho khách và cũng để có căn cứ chứng minh mỗi khi mình bị "hụt két oan". Nhưng vẫn phải tự cảnh báo nhau... xem giờ khi bị máy "nuốt" tiền để còn "cãi" được với ngân hàng.

Đôi khi đấu lý không ăn thua. Máy ATM hỏng, các cụ hưu trí đành vào ngân hàng lĩnh lương nhưng ngã ngửa với phí 15.000 đồng theo quy định, chỉ còn biết kêu trời: "chất lượng đã kém mà còn thu thêm tiền!".

Không chỉ ATM, loại hình bán hàng vừa xuất hiện -máy bán hàng tự động- cũng thường xuyên khiến khách hàng "run" và giận bởi máy "chỉ nuốt tiền, miễn trao hàng".

"Leo cây bảo hành"

Chịu cảnh bị "leo cây", hay buộc phải chấp nhận muôn lý do "câu thời gian" khác khi chờ bảo hành hàng hoá là cảnh không còn lạ với bất kể người tiêu dùng nào ở Việt Nam. Họ cũng không ngạc nhiên với sự cố bị nhà cung cấp cắt xoẹt dịch vụ và lũi cũi đi... đăng kí lại. Tức giận lắm cũng chẳng khiến nhà sản xuất cung cấp dịch vụ lung lay và nhà quản lý động tâm, nhiều khách hàng tìm đến báo chí như một phương cách cuối cùng để bảo vệ quyền lợi.

Bỏ tiền mua hàng như đi đánh bạc_0
Giá xe máy đang bị nâng vô tội vạ. (Ảnh H.D)

Đôi khi báo chí cũng chỉ có tác dụng tạo dư luận xã hội, bởi nhà cung cấp tung cả trăm chiêu lừa đảo tinh vi. Tin nhắn rác kèm hướng dẫn huỷ vẫn thong dong "móc túi" khách 15.000 đồng, hay hàng loạt chiêu "câu tiền" khác có thể được tung ra ngay ở những điểm bán hàng được cho là "tử tế nhất như hội chợ triển lãm.

Không chỉ chất lượng hàng hóa mà giá cả cũng khiến người tiêu dùng hoang mang. Từ chiếc xe máy tự do tăng gần chục triệu đồng/chiếc, đến hàng hoá có giá trị lớn như nhà ở, cũng phải qua tay cả chục "cò nhà", chênh lệch lên đến cả trăm triệu.

Hàng loạt sản phẩm ảnh hưởng sức khoẻ con người nhưng kém chất lượng như thuốc nhỏ mắt có rêu đang phải thu hồi trên toàn quốc, hay hàng lỗi như sữa tươi căng phồng chờ nổ đang mài mòn lòng tin của người tiêu dùng, dù nhà sản xuất có hứa hẹn bồi thường hay không.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC