Bộ trưởng Cao Đức Phát.
Thừa nhận trách nhiệm cá nhân khi dự báo sai sản lượng lúa gạo và sẵn sàng "nhận kỷ luật của Quốc hội", nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát không cho rằng có sự lúng túng trong chỉ đạo đợt mưa, lũ lớn vừa qua.
Mở màn phiên chất vấn buổi chiều, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về sự bị động, chủ quan, chậm trễ của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng như trách nhiệm của lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phương để xảy ra thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua.
Theo ông Phát, từ ngày 30/10 đến 3/11, mưa trên diện rộng diễn ra ở 15 tỉnh thành. Với lưu lượng 100-400 mm, có nơi gần 1.000 mm, đây là đợt mưa lớn nhất trong 35 năm ở Hà Nội, còn nếu tính ở Hà Tây cũ thì đó là kỷ lục trong 48 năm.
Thừa nhận đợt mưa này lớn hơn dự kiến, vượt xa năng lực cơ sở hạ tầng và gây bất ngờ, nhưng Bộ trưởng Phát khẳng định, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương không lúng túng. "Bất ngờ thì có vì đó là trận mưa lớn hơn dự kiến nhưng không lúng túng. Tuy nhiên, sau đợt mưa này, chúng tôi thấy cũng sẽ phải ngồi lại với nhau rà soát lại quy hoạch để có điều chỉnh phù hợp với sự phát triển mới cũng như biến đổi của thời tiết".
Cho rằng cách giải thích của Bộ trưởng Phát chân thành nhưng chưa thuyết phục cử tri, đại biểu Thuyết tiếp tục đặt vấn đề: "Có địa phương tâm bão đi qua không chết một ai, nhưng trong thành phố Hà Nội lại chết tới 22 người. Mương nước không có biển báo, dân đói không có cứu trợ ngay... là những biểu hiện của lúng túng. Đề nghị Bộ trưởng thuyết minh lại để giải đáp băn khoăn cho cử tri. Không chỉ ngồi lại mà cần phải xử lý nghiêm khắc để lần sau không tái diễn việc này nữa".
Tuy nhiên, đại biểu Thuyết chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng do thời gian dành cho nhóm vấn đề này đã hết.
Tiếp đó, các đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến tích tụ ruộng đất ở nông thôn, bảo vệ và trồng rừng, giống cây trồng và vật nuôi...
Sau gần 2 tiếng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời 24 lượt ý kiến, ngoài 18 chất vấn gửi bằng văn bản tới đại biểu. Tuy nhiên, vẫn còn 6 đại biểu chưa được nêu câu hỏi do thời gian chất vấn đã hết.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc Bộ trưởng Cao Đức Phát thẳng thắn tiếp thu, nhận khuyết điểm, sẵn sàng nhận trách nhiệm trong công tác điều hành, nhưng do cách diễn đạt chưa mạch lạc lưu loát nên một số đại biểu chưa hài lòng với cách trả lời.
"Trước thiệt hại lũ quét vừa qua, chúng tôi được biết Bộ trưởng đi rất sớm, đường ôtô tắc nên Bộ trưởng lội bộ qua rừng cả đêm. Tinh thần như thế là đáng hoan nghênh. Vừa qua, lụt ở Hà Nội, Bộ trưởng cũng có chỉ đạo kịp thời", Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nói.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng thằng thắn phê việc giá vật tư tăng cao, thuốc trừ sâu chất lượng kém, dự báo thời tiết kém... khiến nông dân không hài lòng. Chủ tịch cho rằng phải nghiên cứu dự báo tốt hơn, không để xảy ra bất ngờ ngay tại giữa thủ đô.
Sáng nay, Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nhận được 18 chất vấn liên quan đến sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và quản lý rừng, phòng chống thiên tai, phát triển nông thôn...
Bức xúc trước việc giá gạo tăng liên tục do tin đồn rồi lại giảm liên tiếp do sản lượng dư thừa, gây thiệt hại cho nông dân, đại biểu Nguyễn Hồng Diện nêu câu hỏi: "Bộ trưởng đánh giá thế nào về thiệt hại của nông dân trước chủ trương ngừng xuất khẩu gạo khi giá tăng đột biến do tin đồn? Dự báo vừa qua của Bộ trưởng đúng hay sai? Trách nhiệm này như thế nào? Giải pháp của Bộ đối với lượng lúa tồn đọng lớn ở đồng bằng sông Cửu Long?"
Ông Phát cho rằng, tháng 4, giá gạo thế giới lên gấp 4 lần giá bình quân năm 2007 nên giá trong nước cũng biến động theo. Cuối tháng 3, Việt Nam ký 2,4 triệu tấn xuất khẩu nhưng mới giao được 800.000 tấn nên ngừng ký mới hợp đồng để tập trung vào hợp đồng cũ.
"Tháng 6, giá gạo xuống vì giá thế giới cũng xuống. Chính phủ tìm mọi cách kích thích tiêu thụ nhằm giữ giá cho nông dân và chỉ thị cho hai Tổng công ty lương thực mua 800.000 tấn và sắp tới mua thêm 300.000 tấn lúa với yêu cầu lỗ cũng mua", người đứng đầu ngành nông nghiệp đề cập tới giải pháp giúp nông dân.
Vụ Đông xuân vừa qua, cả nước tăng thêm 750.000 tấn lúa gạo, cao hơn nhiều so với dự báo, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, dự báo không chính xác. Đồng thời, ông cũng cho biết, đã chấn chỉnh các cơ quan trong Bộ về vấn đề này và sắp tới cần có điều hành chính xác hơn.
Đại biểu Lê Thanh Liêm chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp. Ảnh: Thanh Sơn. |
Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Lê Thanh Liêm (Long An) tiếp tục truy vấn: "Cái gốc của việc ngừng ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo là do dự báo sai sản lượng. Tôi muốn đề cập vấn đề này để quý Bộ xác định trách nhiệm của Bộ trưởng và cơ quan liên quan?"
Sau câu hỏi thẳng này, Bộ trưởng Nông nghiệp thoáng chau mày rồi chậm rãi nói: "Trách nhiệm về việc dự báo sai là thuộc về cá nhân tôi - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội theo luật pháp".
Ông Phát nhắc lại, Bộ Nông nghiệp đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và chỉ đạo thành lập các cơ quan chuyên trách về dự báo, chiến lược và chính sách của Bộ... Đồng thời, yêu cầu các Cục trưởng chịu trách nhiệm về vấn đề theo dõi và dự báo tình hình sản xuất của các loại nông sản.
Sau câu trả lời của Bộ trưởng Phát, gương mặt của nhiều đại biểu dãn ra, tỏ vẻ tán đồng. Thậm chí, đại biểu Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) còn cảm ơn Bộ trưởng Phát vì "tinh thần dám chịu trách nhiệm, thẳng thắn và vô cùng dũng cảm trước Quốc hội và trước nông dân nước nhà".
Trong phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu còn đặt câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp khi sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu chất lượng thấp, gây thiệt hại cho nông dân; giải pháp tiêu thụ 600.000 tấn lúa cho nông dân Kiên Giang; sản xuất nông sản biến đổi gen...
Khánh Chi
VnExpress.