“Tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam khoảng trên dưới 4%. Đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới", báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết.

Trước khi đăng đàn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tuần này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có báo cáo gửi các đại biểu nêu những vấn đề "nóng" của ngành.

Trong đó, nổi bật là việc chất lượng đào tạo chưa cao, đặc biệt là đào tạo sau đại học, liên kết, liên thông… nên còn khoảng 200.000 lao động trình độ đại học trong độ tuổi lao động chưa có việc làm; chưa thu hút được sinh viên giỏi vào sư phạm để nâng cao chất lượng giáo dục. 

Tỷ lệ thất nghiệp trình độ đại học ở Việt Nam trên dưới 4%.

Nếu tính trong tổng số hơn 5 triệu lao động trình độ đại học thuộc độ tuổi này, tỷ lệ không quá lớn (năm 2017 gần 3% đến 4,5%, chủ yếu là làm việc không đúng ngành hoặc không muốn chấp nhận dịch chuyển đến nơi thiếu lao động). Đây cũng là tình trạng chung của các nước trên thế giới.

 

Bộ trưởng GD&ĐT: 200.000 sinh viên thất nghiệp, tỷ lệ không quá lớn - 0Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Tiến Tuấn

Ngoài ra, theo Bộ GD&ĐT, cơ chế chính sách chưa tạo động lực khởi nghiệp, lập nghiệp.

Có sự chênh lệch đáng kể giữa điều kiện sống giữa các vùng miền, tạo ra thừa thiếu cục bộ. Nhiều nơi vẫn thiếu nhưng không thu hút được lao động trình độ cao.

Về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định thời gian qua, ngành đã có nhiều giải pháp để nâng cao vị thế các trường đại học của Việt Nam trong bảng xếp hạng châu Á.

Số trường Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng top 400 trường của châu Á ngày càng tăng (năm 2017 có 5 trường).

Bên cạnh yếu tố khách quan khiến chất lượng giáo dục đại học còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng GD&ĐT thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của bộ và các bộ ngành.

Theo đó, cơ chế chính sách về GD&ĐT còn nhiều bất cập.

Phạm vi tự chủ đại học còn hẹp; thiết chế quản trị như hội đồng trường, hội đồng quản trị chưa hiệu quả. Mức học phí chưa phù hợp chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành, bậc đào tạo và chất lượng của từng cơ sở đào tạo.

Cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ sở giáo dục đại học còn mang tính bình quân giữa các trường đại học công lập, chưa gắn với chất lượng và kết quả đầu ra nên chưa tạo động lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng.

Quản lý đào tạo chưa theo chuẩn quốc tế nên hạn chế trong liên thông, liên kết, trao đổi sinh viên giữa Việt Nam với nước ngoài.

Cơ sở giáo dục đại học chưa được tự chủ cao trong mở ngành đào tạo, liên kết, hợp tác quốc tế, nhân sự, tài chính, tài sản. Chưa đầu tư các điều kiện đảm bảo chất lượng tương xứng với yêu cầu.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên cao; thu nhập của giảng viên đại học thấp, chưa thu hút được nhiều người giỏi và chưa tạo động lực làm việc.

 

Nguồn: Quyên Quyên

Zing

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC