"Đáng lẽ Hà Nội phải đưa xe cao cầu ra chỗ ngập lụt, chở người dân hoặc xe cứu thương cần đi qua. Vừa qua, nếu ai đó chẳng may nhồi máu cơ tim, chắc là chết", Bộ trưởng Nông nghiệp Cao Đức Phát bày tỏ quan điểm, chiều 3/11.

Tại buổi giao ban chiều 3/11, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, đợt mưa lũ vừa qua ảnh hưởng đến 11 tỉnh thành, làm 49 người chết, 7 người mất tích, 250.000 ha hoa màu bị ngập, hơn 100.000 nhà hư hại, chìm trong nước... Tổng thiệt hại lên tới 5.300 tỷ đồng.

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, việc tiêu úng cho Hà Nội là vấn đề cấp bách. Bộ trưởng cho biết, trên đường đi họp Chính phủ hồi cuối tháng, ông cũng bị mắc kẹt mất 2 tiếng đồng hồ. "Hà Nội tính thiệt hại 3.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ là cây, cá... Hình dung, một thành phố thủ đô, dừng hoạt động một ngày, thiệt hại biết bao tiền?".

"Hà Nội phải bố trí lực lượng canh phòng, hướng dẫn cho dân, hỗ trợ dân qua lại, chứ không chỉ thông báo trên TV rằng chỗ ấy ngập không nên đi qua. Đáng lẽ Hà Nội phải đưa xe cao cầu ra đó, để nếu người dân hoặc xe cứu thương cần đi qua thì phải chở, nếu không, ai đó chẳng may nhồi máu cơ tim, chắc là chết", Trưởng ban Phòng chống lụt bão Trung ương nói.

Là địa phương chịu tổn thất nặng nhất, Hà Nội có 20 người chết, thiệt hại về hoa màu đã lên tới 3.000 tỷ đồng (Hưng Yên 1.300 tỷ đồng, Hà Nam gần 900 tỷ đồng). Và để khắc phục hậu quả mưa lũ, các địa phương này đã xin Chính phủ hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng, 5.000 tấn gạo cùng 800 tấn lúa giống.

Dù đã trút xuống Hà Nội và nhiều địa phương khác một lượng mưa kỷ lục nhưng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, 8 ngày tới, trời sẽ tiếp tục mưa 100-200 mm và các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ trở rét.

Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Hà Nội chậm chạp trong giúp dân'
Sau trận lũ kỷ lục này, người ta lại biết thêm một công dụng mới của bình ga. Ảnh: Gia Hân (chụp tại khu vực Nam Đồng).

Trước thực trạng Hà Nội chỉ có 2 trục tiêu nước là sông Nhuệ và sông Tô Lịch, trong đó riêng sông Tô Lịch làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho toàn bộ Hà Nội cũ, Thứ trưởng NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng, cần phải đánh giá lại năng lực tiêu nước của sông Tô Lịch cũng như quy hoạch các trạm bơm tiêu lũ.

"Hôm trước, tôi có nói, Sở Xây dựng Hà Nội cần trả lời câu hỏi: 'Đô thị hóa toàn bộ phía Tây Hà Nội thì tiêu đi đâu?' nhưng Sở không trả lời. Vậy là nghiễm nhiên, sông Nhuệ trở thành trục tiêu cho toàn bộ phía Tây Hà Nội. Còn sông Tô Lịch phải tiêu cho cả thành phố. Việc Tô Lịch có đủ năng lực hay không cũng phải đặt ra", Thứ trưởng Học đặt vấn đề.

Cũng theo ông Học, trước đây, sông Nhuệ làm nhiệm vụ tiêu thoát nước cho lúa với tiêu chí mưa 3 ngày tiêu 5 ngày nhưng nay, do đô thị hóa phía Tây, lưu lượng tiêu tăng gấp đôi trong khi tiêu chí phải là mưa đến đâu tiêu hết đến đó. Bởi vậy, việc quá tải đã gây ra ngập úng.

Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Học cho biết, trong khi Chính phủ đồng ý đưa vào sử dụng trạm bơm tiêu Liên Nghĩa ở TP Hà Đông để đổ nước ra sông Đáy, với lưu lượng 100 m3 mỗi giây thì trong quy hoạch trạm bơm tiêu của Hà Nội lại không xét tới vị trí này.

"Vừa qua, khi nhận quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tiêu cho Hà Nội 3 trạm bơm, tôi rất ngạc nhiên bởi Hà Nội không xét tới vị trí trạm bơm này, dù chúng tôi đánh giá không chỗ nào hơn được vị trí đó", ông Học nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp: 'Hà Nội chậm chạp trong giúp dân'
Dịch vụ chuyên chở bằng xe gầm cao với giá 30.000 đồng một người trên đường Giải Phóng. Ảnh: Tiến Dũng.

Nhận định khu vực tiêu của trạm bơm Yên Sở là gần 8.000 ha, lượng mưa bình quân là 500 mm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, riêng Hà Nội cũ đã hứng 40 triệu m3 nước, và do "số phận" của Hà Nội chỉ chờ vào trạm bơm này nên việc thoát nước của thủ đô rất căng thẳng.

"Trạm bơm Yên Sở với công suất 45 m3 một giây, dù chạy suốt ngày đêm cũng chỉ tiêu được 5 triệu m3 nên nếu muốn rút kiệt lượng nước này ra thì phải mất 8 ngày. Nếu mưa thêm 100 mm thì có thêm 8 triệu m3 nữa và phải mất thêm 2 ngày bơm", Bộ trưởng Cao Đức Phát phân tích.

Bên cạnh việc cảnh báo về tình hình dịch bệnh cũng như giá cả leo thang, Bộ trưởng Phát cũng lưu ý Hà Nội việc chủ động liên hệ với các địa phương để cung cấp rau xanh bởi ít nhất hơn tháng nữa mới có thể thu hoạch sản phẩm này.

Kết thúc buổi làm việc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, do Hà Nội còn nhiều vùng chia cắt, nhiều điểm úng ngập nên trước hết cần phải tiêu nước và giải quyết vấn đề giao thông. Ngoài việc đảm bảo các điều kiện y tế, thực phẩm và đặc biệt là nước uống cho người dân, cần tập trung hỗ trợ gia đình có người chết, bị thương, mất nhà cửa, người già, trẻ em và phụ nữ.

"Mỗi lần như thế này là ta có một bài học. Giờ đây có tác động của biến đổi khí hậu chứ không phải chỉ là mưa lũ bình thường. Do vậy, bắt buộc chúng ta phải có xem xét, quy hoạch lại", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bốn khu vực mưa lớn:

- Khu vực 1: Hà Nội, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình mưa phổ biến 400-600 mm, trong đó, Thanh Oai 988 mm, Hà Đông 830 mm, Chương Mỹ 727 mm...
- Khu vực 2: Phú Thọ, Vĩnh Phúc mưa phổ biến 200-400 mm, trong đó, Vĩnh Yên 508 mm, Tam Đảo 463 mm, Phúc Yên 405 mm...
- Khu vực 3: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh mưa phổ biến 150-300 mm, trong đó, Đình Lập 615 mm, Việt Yên 419 mm, Yên Thế 383 mm...
- Khu vực 4: Thanh Hóa, Nghệ An mưa phổ biến 100-200 mm.

VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC