Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết mỗi người VN bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm, mức hàng đầu châu Á. Tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam tăng gần gấp đôi sau 5 năm. Việt Nam thuộc 12 quốc gia cho phép người dân tự nấu rượu.
Theo đó sẽ lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng từ nguồn thu đóng góp bắt buộc của người sử dụng và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu rượu bia.
Mới đây ngày 28.04, tại phiên họp toàn thể Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lần thứ 6, Bộ Y tế đã trình bày dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất cấm bán cũng như cấm uống rượu bia đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người đã có biểu hiện say rượu, bia.
Cán bộ, công viên chức và người lao động bị cấm sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ giữa các ca trong ngày làm việc.
Bộ Y tế cũng đề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke; trạm dừng đỗ xe trên các tuyến đường giao thông; cơ sở y tế, giáo dục, nuôi dưỡng; khu vui chơi trẻ em…
Hình ảnh quen thuộc trong các quán bia, câu lạc bộ bia ở Việt Nam
Đáng chú ý, các nhà soạn thảo luật cũng đề xuất cấm quảng cáo, giới thiệu rượu, bia từ 15 độ trở lên.
Quảng cáo rượu bia dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.
Doanh nghiệp rượu, bia không được tài trợ các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể thao, vui chơi giải trí…
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm, mức hàng đầu châu Á.
Tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam tăng gần gấp đôi sau 5 năm, từ 25,1% năm 2010 lên 44,2% năm 2015.
Hiện Việt Nam thuộc 12 quốc gia cho phép người dân tự nấu rượu.
Trong đó rượu thủ công chiếm gần 80% lượng rượu tiêu dùng. Uớc tính khoảng 230-280 triệu lít rượu thủ công chưa quản lý được.
Trong khi đó, rượu bia là một trong số 5 nguyên nhân cao nhất dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới, gây hơn 200 bệnh tật.
Uống rượu bia cũng là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông tại Việt Nam, là tác nhân gây bạo lực gia đình, tội phạm, mất an ninh trật tự.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê phí tổn kinh tế do rượu bia chiếm 1,3-12% GDP mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả thường cao hơn chi phí trực tiếp.
Giả sử phí tổn do rượu bia ở Việt Nam ở mức 1,3% GDP, thì thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng, trong khi đó đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát của Việt Nam năm 2012 chỉ 19.000 tỷ.
Nguồn: Dân Trí, Vnexpress, Zing