Hội đồng quản trị cũ (HĐQT) vẫn không chuyển giao lại toàn bộ giấy tờ, con dấu cho hội đồng quản trị mới, công nhân ngồi đợi công việc và lương trong vô vọng.

Lúc 9 giờ ngày 5/3, tại trụ sở làm việc của Công ty CP Bông Bạch Tuyết (550 Âu Cơ, P.10, quận Tân Bình), ông Phạm Gia Hậu - Chủ tịch Công đoàn Công ty, tổ chức cuộc họp cho công nhân của công ty, mục đích gây áp lực cho HĐQT cũ phải bàn giao công việc lại cho HĐQT mới.

Lần đầu bàn giao giữa HĐQT cũ và HĐQT mới là vào ngày 19/2, sau khi đại hội cổ đông bất thường đã bầu ra HĐQT mới, cũng đã bất thành.

Nguyên nhân, theo các thành viên HĐQT mới, là những thành viên bị bãi nhiệm trước đó không hợp tác chuyển giao.

Đến sáng 5/3, HĐQT cũ vẫn không có mặt để bàn giao. Chỉ có bà Phạm Thị Tâm Anh - nguyên là Phó TGĐ Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết, đến làm việc như ngày thường.

 

Bức xúc trước thái độ làm việc của HĐQT cũ, ông Hậu cho biết: “Nếu HĐQT cũ vẫn không bàn giao các giấy tờ và con dấu, thì chúng tôi sẽ tiến hành niêm phong toàn bộ công ty đến khi nào HĐQT cũ bàn giao thì mới cho làm việc trở lại”.

Ông Hậu còn cho lập ra tổ tự quản gồm 7 người thay phiên túc trực tại trụ sở của công ty, gọi là để tránh thất thoát tài sản

Đúng 15 giờ chiều 5/3, ông Hậu đã cho niêm phong toàn bộ trụ sở làm việc của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết. 

Trước đó, vào ngày 27/2, HĐQT mới đã gửi văn bản đến HĐQT cũ đề nghị bàn giao hồ sơ, con dấu. Văn bản này đề nghị HĐQT cũ bàn giao mọi thứ vào ngày 5/3 tại trụ sở làm việc.

Bông Bạch Tuyết: HĐQT cũ không bàn giao công ty_0

Ông Hậu trực tiếp hướng dẫn công nhân đến niêm phong tất cả các phòng làm việc của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết. (Ảnh: Hùng Trọng)

Sau khi nhận được văn bản của HĐQT mới, ông Tạ Xuân Thọ - TGĐ công ty cũng đã có văn bản gửi lên Liên đoàn Lao động thành phố, Công an quận Tân Bình và Công an phường 10, quận Tân Bình về vấn đề cổ đông Tổng Công ty Dệt may Gia Định đã vi phạm pháp luật, lôi kéo công nhân đến đập phá nhà máy, ép buộc HĐQT cũ bàn giao lại công ty.

Hiện 2 bên là HĐQT cũ và HĐQT mới vẫn chưa thể ngồi vào bàn đàm phán để bàn giao công việc. Công nhân mong chờ được có lương và công ăn việc làm.

Theo Viêtnamnet.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC