Cùng với nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch ngày một tăng, các khách sạn, nhà nghỉ cũng mọc lên như nấm.
Tuy nhiên, nếu mỗi địa phương, doanh nghiệp không đầu tư bài bản, có chiến lược thì điều này không chỉ không kích thích sự phát triển của ngành Du lịch mà còn phá vỡ quy hoạch chung và đem lại nhiều hệ luỵ khác.
Một home stay sơ sài dành cho giới trẻ
Số phòng lưu trú tăng chóng mặt
Theo thống kê, tính đến năm 2016, số lượng cơ sở lưu trú cho khách du lịch (tính riêng các cơ sở đã được xếp hạng) tại Việt Nam đã đạt con số 420.000 phòng, tăng 18% trung bình năm.
Nếu nói về nguồn cung lớn nhất nước, có thể kể đến TP HCM với khoảng trên 16.000 phòng khách sạn 3-5 sao, hơn 70% so với Hà Nội, công suất khoảng 70%.
Dự tính, trong ba năm tới, TP HCM sẽ đạt đến con số 3.500 phòng mới.
Tuy nhiên, TP HCM tuy có lượng khách sạn nhiều, chất lượng khách sạn cao cấp nhất nước, nhưng lại là nơi ít giữ chân được du khách nhất. Trung bình, khách lưu trú tại TP HCM chỉ ở lại từ 1-2 ngày, sau đó nhanh chóng do chuyển đến các địa điểm du lịch khác vì “hết chỗ chơi”.
Đó cũng chính là câu hỏi đang đặt ra cho du lịch TP HCM.
Ngược lại với TP HCM, Nha Trang là khách sạn có khả năng “giữ chân” du khách nhiều nhất, trên 3 ngày. Có được điều này là nhờ Nha Trang tận dụng được địa hình biển, đảo, vịnh tự nhiên để khai thác du lịch có hiệu quả, thu hút du khách.
Chính vì vậy, Nha Trang cũng là tỉnh ven biển có lượng nguồn cung khách sạn lớn nhất cả nước với hơn 12.000 phòng khách sạn 3-5 sao và có công suất được thuê cao nhất.
Với Đà Nẵng, con số cơ sở lưu trú cũng rất “khủng” với trên 22
ngàn phòng của gần 500 khách sạn, resort, tăng hơn 3000 phòng so với năm 2015. Một địa phương du lịch cũng có con số cơ sở lưu rất cao là Đà Lạt với hơn 20 ngàn phòng lưu trú (tất cả các loại hình) cho du khách.
Khi chất lượng không đi cùng số lượng
Việc các khách sạn, nhà nghỉ và nhiều loại hình lưu trú khách tăng lên với tốc độ chóng mặt có thể phản ánh được xu thế và nhu cầu du lịch, nhưng đồng thời nó cũng đem lại những tác động ở chiều tiêu cực đối với ngành du lịch các địa phương.
Đà Nẵng là địa phương có số lượng du khách quốc tế cao hàng đầu cả nước, với số khách sạn 1-2 sao chiếm khoảng 80% số cơ sở lưu trú, cũng là một địa phương chịu nhiều sức ép lên cơ sở hạ tầng bởi sự mọc lên chóng vánh của quá nhiều khách sạn, nhà nghỉ. Đó là vấn đề thiếu nước, quá tải điện, quá tải giao thông và áp lực lên môi trường.
Dọc nhiều con phố trung tâm của Đà Nẵng, người ta có thể thấy những con phố đúng chất “Tây ba lô” với biển hiệu sơ sài, tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, khá nhếch nhác, chủ yếu giá rẻ cung cấp cho khách Tây du lịch giá rẻ, như đường Hà Bổng, đường Trần Bạch Đằng, đường Phan Liêm.
Không chỉ có khách sạn được gắn sao, rất nhiều địa phương mạnh về du lịch đang phát triển đa dạng các loại hình lưu trú khác như nhà nghỉ, hostel, homestay... Mà một trong những địa phương phát triển đa dạng loại hình lưu trú nhất phải kể đến Đà Lạt.
Tận dụng địa hình núi đồi, thiên nhiên đẹp, hữu tình, rất nhiều cơ sở lưu trú “độc lạ” đã mọc lên.
Bên cạnh những cơ sở “chịu khó” đầu tư bài bản, có không ít home stay đơn giản và sơ sài, chủ yếu tạo những góc “sống ảo” thu hút du khách trẻ với giá rẻ. Loại hình này mọc lên rất nhanh trong hai năm trở lại đây, học hỏi, bắt chước ý tưởng của nhau không ít.
Tuy nhiên, không ít cơ sở được lắp ghép quá tạm bợ, sơ sài, cung cấp dịch vụ kém chất lượng, không những khiến du khách “một đi không trở lại” mà còn khiến phá vỡ cảnh quan chung, ảnh hưởng đến cảm nhận chung của du khách về thành phố.
Một khu nhà nghỉ ở Vũng Tàu
Rất nhiều điểm du lịch trong cả nước tồn tại những kiểu khách sạn đầu tư thấp, thậm chí nhếch nhác, ngày thường cạnh tranh bằng giá rẻ, còn ngày nghỉ, ngày lễ, ngày cao điểm thì mạnh tay “chặt chém” du khách bằng mức giá gấp 3, 4 lần.
Tăng nhanh, mạnh về số lượng cơ sở lưu trú chưa hẳn là một dấu hiệu đáng mừng của ngành du lịch, nếu sự tăng trưởng ấy không đi kèm với đầu tư bài bản, chu đáo cho chất lượng phòng, chất lượng dịch vụ.
Và phòng lưu trú thực chất cũng là một dạng thu hút du lịch kiểu “bị động”.
Phát triển du lịch, quan trọng là từng địa phương phải tận dụng tài nguyên cảnh quan sẵn có của địa phương để xây dựng chiến lược khai thác du lịch hiệu quả, đồng thời có những chính sách cởi mở, thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư về du lịch.
Có như thế mới đem lại sự phát triển có căn bản, dài hơi cho du lịch địa phương.
Nguồn: Báo Pháp Luật