Đoàn kiểm tra công tác phòng chống tội phạm vận chuyển và tiêu thụ tiền giả của Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) không khỏi bất ngờ khi vừa đặt chân đến cửa khẩu Tân Thanh đã chứng kiến một vụ lấy khẩu cung đối tượng vận chuyển tiền giả vừa bị bắt giữ trước đó mấy tiếng đồng hồ.
Tội phạm ngày càng tinh vi
Trước đó, qua nguồn tin người dân, vào 16h ngày 14/8, tại Cổng kiểm soát biên phòng số 2, cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, Tổ kiểm soát cơ động Đồn biên phòng cửa khẩu Tân Thanh đã bắt quả tang đối tượng Đỗ Việt Thủy, sinh năm 1974, thường trú tại phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng vận chuyển 200 triệu tiền Việt Nam giả, loại mệnh giá 200 nghìn đồng.
Thủy khai cùng một đối tượng khác mua số tiền giả trên của hai người đàn ông (không biết tên) trong chợ Tân Thanh với số tiền 20,5 triệu đồng. Bọn chúng gói số tiền giả vào một bọc giấy báo và cho vào túi xách tay để lẫn với một vài đồ dùng cá nhân. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của bọn chúng đã không qua thoát được tinh thần cảnh giác của các trinh sát biên phòng.
Ngay sau khi chứng kiến lực lượng chức năng lấy khẩu cung đối tượng Đỗ Việt Thủy, Phó cục trưởng Cục phát hành kho quỹ Nguyễn Tất Huynh, Trưởng đoàn công tác cùng đã thay mặt Ngân hàng Nhà nước thưởng "nóng" các cán bộ chiến sĩ tham gia phá án.
Lạng Sơn là một tỉnh có chiều dài biên giới giáp với Trung Quốc với nhiều cửa khẩu và các đường ngang ngõ tắt trên địa bàn rừng núi phức tạp. Lợi dụng sự mở cửa đi lại giao thương qua lại giữa 2 nước, các đối tượng tội phạm vận chuyển tiền giả đã hoạt động với nhiều thủ đoạn vận chuyển, cất giấu tinh vi.
Thời gian qua, trên địa bàn biên giới thuộc tỉnh Lạng Sơn các lực lượng kiểm soát Bộ đội Biên Phòng, Công an, Hải quan đã chủ động triển khai phối hợp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh với các đối tượng mua bán và vận chuyển tiền giả. Tính từ đầu năm 2013, các lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây tội phạm tiền giả, thu giữ số lượng lớn tiền Việt Nam giả.
Ngày 1/8, sau một thời gian kỳ công theo dõi, Đồn biên phòng Tân Thanh cũng bắt quả tang 2 đối tượng Nguyễn Hữu Kiên, sinh năm 1984, thường trú tại xã Khăn Lạng, huyện Lục Giang, Bắc Giang và Vũ Văn Thắng, sinh năm 1984, thường trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội đang vận chuyển 620 triệu đồng tiền giả, loại mệnh giá 200 nghìn đồng từ biên giới vào nội địa.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, qua triển khai chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh kiên quyết với loại tội phạm buôn bán tiền giả qua biên giới, riêng đơn vị này đã phát hiện, xử lý 4 vụ/6 đối tượng vận chuyển 926,8 triệu đồng tiền Việt Nam giả từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo Trung tá Vũ Quốc Ân, Chính trị viên Đồn biên phòng Tân Thanh, phương thức hoạt động của tội phạm tiền giả rất tinh vi, đa dạng, thường xuyên thay đổi thủ đoạn, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoại biên, hình thành các đường dây, ổ nhóm, có sự phân công trách nhiệm trong từng khâu vận chuyển tiền giả qua biên giới vào sâu nội địa nước ta.
Qua điều tra các vụ án, các đối tượng trong nước không trực tiếp qua biên giới lấy "hàng" mà sử dụng điện thoại di động (sim rác) để liên lạc thỏa thuận giá cả, số lượng, địa điểm giao hàng. Để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển giấu tiền giả trong hàng hóa, đồ vật thông thường, thậm chí trong lót giày, quần áo lót... Sau đó, chúng trà trộn vào đám đông qua lại cửa khẩu, lối mòn, lối mở trên biên giới.
Pháp luật còn nhiều sơ hở
Trước tình hình vận chuyển tiền giả qua biên giới ngày càng phức tạp , Ngân hàng Nhà nước, Bộ độ Biên phòng và Công an đã nâng cao công tác phối hợp để đấu tranh hiệu quả với tội phạm tiền giả. Đặc biệt là công tác phối hợp nắm tình hình, đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm vận chuyển, buôn bán tiền giả qua biên giới. Đồng thời, ngành ngân hàng và các lực lượng chức năng cũng phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác đấu tranh phòng chống tiền giả, chủ động tố giác tội phạm.
Tuy nhiên, điều mà các lực lượng chức năng đều bức xúc hiện nay là các quy định pháp luật về xử lý tội phạm tiền giả hiện nay còn quá nhiều bất cập. Chẳng hạn về biện pháp chế tài, Theo Điều 180 Bộ luật Hình sự, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm, phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt từ 5 năm đến 12 năm, phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Lợi dụng khung hình phạt này, các đối tượng thường chia nhỏ lượng tiền, để nếu có bị phát hiện cũng chỉ chịu mức tù "dễ chịu" nhất. Chế tài như vậy được cho là vẫn thiếu tin răn đe nếu xét đến hậu quả của hành vi, vì tội phạm này không chỉ xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà còn trực tiếp phá hoại nền kinh tế của đất nước.
Ngoài ra, theo những cán bộ, chiến sĩ tiếp lăn lộn tại hiện trường, thì các quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự liên quan đến loại tội phạm này cũng cần được sửa đổi sớm. Cụ thể, theo quy định của khoản 3 Điều 8 Bộ luật Hình sự và khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì cơ quan điều tra cấp tỉnh chỉ điều tra các vụ án có mức án từ 15 năm trở lên. Với các khung hình phạt của tội phạm về tiền giả, thẩm quyền điều tra thuộc cả cơ quan điều tra cấp tỉnh và cảnh sát điều tra cấp quận huyện.
Từ ngày 01/10/2004, thực hiện Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Công an một số địa phương đã giao điều tra các vụ án tiền giả cho cơ quan an ninh điều tra cấp tỉnh. Nhưng trên thực tế, cơ quan an ninh điều tra cấp tỉnh không phải cấp trên của cảnh sát điều tra cấp huyện. Do vậy, việc phối hợp chưa thực sự nhịp nhàng, gây ra nhiều khó khăn, trùng dẫm trong công tác chỉ đạo, tổ chức điều tra, theo dõi thống kê, đánh giá tình hình tội phạm..., thậm chí làm hạn chế ý chí tấn công tội phạm, vì cảnh sát điều tra cấp huyện chỉ điều tra các vụ án có mức án từ 15 năm trở xuống
Theo VEF.