Trước các vấn đề về thuế TNCN, về lương bổng của Giáo sư hiện nay, PGS – TS Xã hội học Phạm Bích San đã có những phân tích thú vị về “nghề” giáo sư tại Việt Nam hết sức đơn giản.
Tại nước ngoài, Nhà nước trả lương cho các giáo sư đảm bảo cuộc sống, để họ có những giờ giảng dạy trên lớp. Ngoài ra, khi họ nghiên cứu một vấn đề nào đó, thì đã có những tổ chức tài trợ, đặt hàng và trả các chi phí cho đến khi quá trình nghiên cứu hoàn tất. Khi họ giảng ít giờ, có nghĩa là thời gian họ dành cho nghiên cứu nhiều hơn, vì thế công việc và thu nhập của họ luôn xứng đáng với quá trình cống hiến.
Còn tại Việt Nam, sau khi phong hàm giáo sư cho những con người đáng kính, Nhà nước quên mất hai việc chính:
Một là định hướng cho các giáo sư nghiên cứu cái gì và trả lương cho họ vì những nghiên cứu cần thiết đó.
Hai là sau tất cả những công việc mà các giáo sư đã làm cần có quy chuẩn để đánh giá thế nào là đạt, thế nào là không đạt.
Vì không có cả hai điều trên nên người ta cứ hay neo vào số lượng để định dạng và trả lương giáo sư. Cụ thể Nhà nước yêu cầu một năm phải có 2 công trình nghiên cứu tầm cỡ đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế, hoặc 4 công trình nghiên cứu trong nước đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Với yêu cầu đầu tiên, nghe qua thì dễ nhưng quả là khó thực hiện, vì một công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, VD như ngành Khoa học xã hội, sẽ phải đầu tư tối thiểu từ 15.000 – 20.000 USD (tương đương 300-400 triệu đồng). Trong khi thực tế, VD: Lương một giáo sư dạy tại ĐH quốc gia TP.HCM, năm 2010, là 21 triệu đồng/ tháng, còn Nhà nước chỉ có thể đầu tư 200 triệu đồng/ 2 năm cho một dự án, và phần chi phí về tay giáo sư giỏi lắm cũng không vượt quá được 30% nếu thực việc. Thực trạng này chính là câu trả lời cho việc Việt Nam rất ít các bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.
Còn với 4 công trình trong nước thì quả là dễ như trở bàn tay, bởi bài của người có danh giáo sư viết cái gì chả được đăng, hơn nữa, còn được các tạp chí khoa học xã hội đón nhận rất nhiệt tình. Thậm chí, với các nghiên cứu sinh đang làm tiến sĩ, để được đăng một bài trên báo cũng chỉ cần “đóng góp” một khoản nào đó là cũng sẽ được đăng.
Việc quản lý tri thức luôn được chia làm 3 cách: Quản lý kiểu mệnh lệnh; Quản lý dân chủ ở trình độ cao, tham khảo ý kiến của mọi người; Quản lý có định hướng, đây là cách để quản lý các trí thức, các giáo sư, tiến sĩ, những người có trình độ cao. Chỉ cần định hướng, còn làm thế nào là việc của họ. Và vì thế, khi đất nước còn kém phát triển, mọi bước đi đều làm theo “hàng xóm” thì việc quản lý tầng lớp trí thức cao chưa được đặt ra. Nhưng khi Việt Nam đã đạt đến một mức thu nhập trung bình, đòi hỏi phải có hướng đi riêng, vì bị bỏ lơ từ trước, nên việc định hướng cho các giáo sư nghiên cứu gì cho đất nước lại càng trở nên khó khăn hơn. Bởi người định hướng thì không đủ tầm nhìn, còn người bị định hướng thì quen làm tự do từ trước, đã xa rời thực tế.
Vì thế, chuyện nhà nước “vờ” trả lương cho các giáo sư, tiến sĩ “vờ” làm việc đã ăn sâu vào thói quen công chức ỷ lại, biến phần lớn những người đáng lẽ phải đi tiên phong trong mọi lĩnh vực lại trở thành những người mang danh hình thức, không thực việc. Điều này khiến xã hội hiện nay đánh giá sự “tài giỏi” của các giáo sư, tiến sĩ chỉ dựa vào các chức vụ đi kèm và sự thân quen nào đó với cấp cao, chứ không phải bằng các công trình nghiên cứu của họ có ảnh hưởng và đóng góp gì cho xã hội. Thực đáng buồn lắm thay!
Theo Sống mới.