Một loại hình kinh doanh mới mẻ, cá tính và thuận tiện - cà phê dạo - gần đây đã “bay” từ Sài Gòn ra Hà Nội và bùng nổ mạnh mẽ. Hình ảnh chiếc xe đạp cùng thùng cà phê in sẵn hotline đã trở nên quen thuộc với người dân thủ đô.
Người dân khu chợ Đồng Xuân, khu phố cổ, quanh khu Cầu Giấy, lan sang đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến... giờ đây đều có thể thưởng thức hương vị cà phê dạo bất cứ lúc nào. Đơn giản chỉ với một chiếc xe đạp, một thùng đá, cốc tách và đồ pha chế, cà phê dạo làm thay đổi thói quen uống cà phê của dân Hà thành: không cần phải sành hay cầu kỳ, không mất thời gian ngồi quán xá.
Anh Tiến (đường Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân) ban đầu khá bất ngờ khi nhìn thấy một hàng cà phê bán dạo qua khu phố nhà mình. Với anh, văn hóa uống cà phê hè phố là một nét đặc trưng, độc đáo của miền Nam, trong khi ở Hà Nội lại khá mới mẻ. "Tôi ít đặt niềm tin vào cà phê dạo, nhưng sau bạn bè ca ngợi nhiều, mình thấy hay hay nên uống thử. Ngồi vỉa hè uống cà phê, cũng thú vị lắm".
Cà phê Arabica Nguyễn Duy Biểu là hình ảnh đầu tiên đánh dấu sự "đổ bộ" của café dạo từ Sài Gòn ra Hà Nội. |
Cà phê dạo dần trở nên phổ biến, trở thành một thức uống trào lưu, theo kịp trà chanh, trà đá, làm thay đổi thói quen nhiều người. Giá những ly cà phê dạo cũng khá mềm, dao động từ 10.000-15.000 đồng/ly. Với đặc thù là rất cơ động trong việc bán hàng nên người mua chỉ cần có số điện thoại "hotline", "alo" một cuộc gọi là hoàn toàn có thể thưởng thức một cốc cà phê vỉa hè theo ý muốn.
Linh, một bạn trẻ "nghiện" cà phê dạo ở chợ Đồng Xuân, cho biết: "Mỗi khi nhóm tụ tập, em không thích vào quán cà phê, không khí quán xá không được thoải mái. Từ ngày có cà phê dạo, bọn em hay ngồi vỉa hè, ngồi ở vườn hoa, gọi cà phê đến, vừa uống vừa nói chuyện, hò hét, nhảy nhót tưng bừng".
Người đầu tiên khởi xướng xu hướng cà phê dạo đất Hà thành, làm khuấy đảo cư dân mạng và tín đồ ưa chuộng đồ uống này là anh chàng Nguyễn Duy Biểu. Bắt đầu bằng một niềm đam mê mãnh liệt vào thương hiệu "Cà phê arabica Đà Lạt nguyên chất và rang mộc", chàng trai sinh năm 1987 khởi đầu với mức độ bán được từ 10-20 ly cà phê hàng ngày. Đến nay, "quả thông khô lăn trên phố cổ" (cái tên anh thích được gọi) đã mở được các quầy cà phê lưu động, làm thay đổi thói quen uống cà phê của đông đảo người dân Hà Nội.
Không tốn tiền thuê mặt bằng, không phải thuê nhân công, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao là những lợi thế của loại hình kinh doanh này. Nhiều sinh viên cũng tranh thủ tham gia kinh doanh cà phê dạo.
Sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng số 1 Hoàng Văn Biên, sinh năm 1991, quê Thanh Hóa, thích thú với ý tưởng bán cà phê dạo trên chiếc xe đạp cũ, hiện đang bán dạo tại khu vực quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Mỗi cốc cà phê Biên bán 12.000 đồng. Tính toán chi ly về hiệu quả kinh tế, Biên thật thà: "Em mua cà phê xay, mỗi túi giá 140.000 đồng/kg. Một kg lọc, pha được khoảng 50 cốc. Mỗi ngày em bán được từ 10-20 cốc, mỗi cốc giá 12.000 đồng. Cũng đủ nuôi sống bản thân, trang trải đời sinh viên".
Với Linh, công việc bán cà phê dạo ngày càng khiến sinh viên này đam mê và thích thú (ảnh K.C) |
Không chỉ Biên, một số bạn trẻ khác cũng lập nhóm kinh doanh cà phê dạo như nhóm Linh - Vinh bán dạo khu vực đường Cầu Giấy, công viên Dịch Vọng. Hồ hởi bên thùng cà phê, Vinh cho biết: "Số vốn đầu tư vào thùng xốp, đồ pha chế, ly... cũng mất vài triệu, em không đủ tiền nên rủ bạn làm cùng, kết hợp với nhau kinh doanh, kiếm thêm thu nhập ngoài thời gian học tập".
Linh cho biết, ban đầu mang cà phê đi bán dạo cảm thấy ngượng ngùng, pha chế cũng chưa thuần thục nên khá run. Thậm chí, nhiều người thấy lạ, nhìn theo làm em xấu hổ. Nhưng rồi cà phê dạo dần hút khách, Linh cũng thoải mái hơn trong công việc và làm việc có hiệu quả hơn.
Theo VEF.