Thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý nước thải và chất thải lên đến 1,3% thu nhập quốc dân. Do những bất cập về cơ chế, chính sách nên khối doanh nghiệp tư nhân không mặn mà trong việc cùng Chính phủ đầu tư xử lý nước và rác thải.
Thiệt hại lớn vì chưa quản lý được nguồn thải
Tại Diễn đàn phát triển độ thị bền vững tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/2, Ngân hàng Thế giới ước tính, mức thiệt hại kinh tế của Việt Nam do thiếu quản lý nước thải và chất thải lên đến 1,3% thu nhập quốc dân, thậm chí còn có thể cao hơn vào thời kỳ suy giảm kinh tế.Việt Nam cũng đang phải gánh chịu hậu quả từ những yếu kém trong quản lý nước thải và chất thải rắn. Và đây được coi là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu vào năm 2010, tất cả các thành phố lớn đều có hệ thống quản lý nước thải và các khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải riêng.
“Mặc dù các hạn chế hay thiếu thụt trong quản lý rác thải là một trong những trở ngại rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội, nhưng vấn đề này vẫn chưa được đánh giá đúng mức”, bà Karin Kortmann, Quốc Vụ khanh Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức nhấn mạnh tại Diễn đàn.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận, đợt mưa kéo dài dẫn đến ngập úng, rồi gây tệ liệt TP Hà Nội nhiều ngày, hồi đầu tháng 11/08 và sau đó là triều cường gây ngập lụt diện rộng tại thành phố Hồ Chí Minh là hậu quả đến từ sự yếu kém đến báo động của hệ thống thoát nước của các khu đô thị trong qúa trình phát triển ở nước ta. Dù Chính phủ đang nỗ lực thực thi nhiều dự án về thoát nước. Đặc biệt đối với TPHCM, Thủ tướng đã giao Bộ Nông Nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thực hiện đề án điều chỉnh lại hệ thống thoát nước. Nhưng trên thực tế cho đến nay, môi trường đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ở nước ta vẫn còn ở mức thấp, nhất là trong lĩnh vực thoát nước và xử lý chất thải rắn. Đồng nghĩa với thực trạng ngập úng tại các thành phố lớn sẽ còn tiếp diễn và phương án “khắc phục” sẽ còn liên tục được sử dụng?
Tư nhân thờ ơ trước lời mời đầu tư xử lý nước và rác thải
Tại Diễn đàn, ông Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu đô thị và khu công nghiệp tại Việt Nam đang trong tình trạng báo động. Hiện tượng nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp vào nguồn nước không phải là cá biệt. Cùng đó, hệ thống sông ngòi và các bãi chôn lấp rác của nhiều thành phố bị ô nhiễm gấp hàng chục thậm chí hàng trăm lần mức cho phép.
Đây là hậu quả của quá trình đô thị hoá không cân đối, gia tăng dân số, di dân... Trong khi đó, Các Nghị định đã được Chính phủ ban hành về quản lý nhà nước và vệ sinh môi trường chưa có tính thống nhất và còn bất cập nên trong quá trình triển khai thi hành, xử phạt đã gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết được vấn đề Chính phủ cần sự hỗ trợ từ Quốc tế và cả khối tư nhân trong nước.
Dù vậy, theo ông Quân, vấn đề đầu tư trong nước lĩnh vực nước và rác thải thực sự đang vấp phải nhiều khó khăn. Mặc dù Chính phủ từ lâu đã khuyến khích việc tư nhân tham gia vấn đề xử lý rác thải cũng như các vấn đề về hạ tầng, nhưng chưa thấy nhà đầu tư tư nhân nào mặn mà tham gia. Nguyên nhân do bản thân khối tư nhân cũng chưa có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực này. Chính phủ và tư nhân hiện cũng chưa tìm được tiếng nói chung trong cơ chế chính sách.
Ví dụ, trong lĩnh vực thoát nước, cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, nhưng quá trình thu lại chậm và ít. Trong khi thoát nước lại là vấn đề cộng đồng, thuộc trách nhiệm nhà nước phải chăm lo nên Chính phủ phải có phương án tiết chế vấn đề thu phí nhằm đảm bảo quyền lợi hài hoà giữa lợi ích của cộng đồng lẫn và đầu tư.
Về phía cộng đồng quốc tế, hiện có nhiều Chính phủ, tổ chức quốc tế, trong đó có CHLB Đức đã và đang hỗ trợ VN trong lĩnh vực môi trường. Quốc gia này hiện đang hỗ trợ tài chính cho 130 dự án đầu tư trong ngành quản lý nước thải ở 39 quốc gia. Tại Việt Nam, từ 2002 đến nay, CHLB Đức đã hỗ trợ gần 150 triệu euro để xây dựng hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải trong 9 thành phố cấp tỉnh cũng như xây dựng các khu tập kết rác thải.
Theo Dân trí.