Thị phần trở thành mục tiêu hàng đầu của các hãng để mở đường cho sản phẩm tương lai, doanh số chỉ còn là yếu tố phụ.
Năm 2015, truyền thông ít nói tới những con số hãng này bán bao nhiêu xe máy, hãng kia đặt mục tiêu bao nhiêu xe. Bản thân các nhà sản xuất cũng né tránh, con số về lượng dường như không còn là mục tiêu đeo đuổi của các ông lớn.
Giai đoạn 2013-2014 là bước đi chông chênh cho thị trường xe máy Việt. Các con số đều tối mù. Mọi phân tích đều chỉ ra rằng dung lượng thị trường đã đi vào ngõ cụt, con số 2,7 triệu xe doanh số mỗi năm dần thụt lùi.
Xe ga trở thành ưu tiên của các hãng. |
Theo tính toán của Bộ Công Thương, lượng xe máy ở Việt Nam sắp vượt qua cả con số Thái Lan hiện nay. "Thị trường xe ga, xe số phổ thông sắp thoái trào nên việc chuyển dịch từ dòng xe này sang dòng xe khác là điều tất yếu", một chuyên gia chiến lược trong ngành nhận định.
Nếu như hai năm trở lại đây, các hãng vẫn tích cực ra mắt nhiều sản phẩm mới, ở mọi phân khúc để bao hết tiềm năng thị trường, với nhiều đối tượng khách hàng, thì thời điểm này, không có những mẫu xe mới cho khách hàng.
Nửa đầu 2015, thị trường không đón nhận thêm mẫu xe mới nào có tầm ảnh hưởng. Trong khi 6 tháng đầu 2014 chào đón hàng loạt cái tên đình đám như Wave RSX FI, Sirius FI, FZ150i, Vespa Sprint.
Trong buổi họp báo công bố kết quả hoạt động năm tài chính 2015, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cho biết trong năm mới, hãng không ra mắt thêm sản phẩm nào, chỉ là những mẫu xe đổi tem. Đồng thời, vị này cũng tiết lộ xe số không còn là đối trọng, mà trong tương lai gần xe ga là mục đích mà hãng hướng tới.
Ông lớn Nhật Bản cũng cho biết mục tiêu của hãng hiện giờ là thị phần, chứ không còn là doanh số. Nếu như trước đây, hãng lên kế hoạch doanh số mục tiêu, tối đa hóa số xe bán ra mà không coi nặng thị phần, thì hiện nay, thị phần lại được xây dựng đầu tiên, doanh số chỉ là yếu tố phụ. Miếng bánh vốn không thể phình to, nên làm cách nào chiếm được càng nhiều phần miếng bánh càng tốt.
Đối thủ lớn nhất của Honda là người đồng hương Yamaha, dù không trực tiếp thừa nhận chiến lược thị phần làm đầu, nhưng cách thực hiện thì tương tự. Hiện nay Yamaha cùng Piaggio, Suzuki, SYM và các hãng nhỏ còn lại chia nhau 30%. Nếu không chiếm được một miếng to, cơ hội để mở đường cho các sản phẩm xe ga, xe côn tay trong tương lai sẽ hẹp lại.
Thị trường phản ánh trực tiếp quyết định này của các hãng. Các mẫu xe vốn được coi là "hàng nóng" thường đẩy giá thêm vài triệu. Khách hàng muốn mua Honda Lead, Yamaha Exciter... thường phải đợi, hoặc chấp nhận mua đắt hơn giá niêm yết. Giải thích của các đại lý, là hàng từ nhà máy về không đều.
Một hãng lớn khác "không Nhật" là Piaggio thì vẫn luôn trung thành với triết lý "đường tôi tôi đi" khi không cố giành giật tất cả các phân khúc với những người Nhật. Hãng xe Italy tập trung vào dòng xe ga cao cấp, vốn là truyền thống, thế mạnh và như một cách khẳng định đẳng cấp. Bên cạnh đó, Piaggio âm thầm chuẩn bị những bước đi đầu tiên mở đường đưa các thương hiệu môtô do hãng sở hữu như Aprilia và Moto Guzzi về Việt Nam.
Môtô cỡ nhỏ là dòng xe hứa hẹn bán tốt. |
Muốn chiếm nhiều thị phần, buộc phải chiếm được nhiều phân khúc. Giám đốc marketing Yamaha Việt Nam Hoàng Hà cho biết, năm nay hãng chú trọng hơn vào những phân khúc thị trường ngách, không đặt nặng chuyện đối đầu "Honda bán một xe, Yamaha bán một xe" như trước. Exciter, FZ150i hay Grande sẽ tiếp tục là những con bài sáng của hãng trong tương lai.
Kiểu kinh doanh chiếm thị phần còn thể hiện ở cách các hãng làm marketing. Các chương trình trong năm 2015 cũng chắt chiu, chọn lọc hơn khi hướng tới mẫu xe giúp hãng chiếm thị phần, chứ không ồ ạt hòng "vơ" doanh số.
Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều nhận định, thì trường xe máy Việt Nam sẽ có bước đi tương tự các nước cận kề như Thái Lan, Malaysia. Khi đó, xe số sẽ dần giảm doanh số đến mức rất ít, hai dòng xe chính bán tốt là xe ga và môtô cỡ nhỏ đến vừa, mở đường cho phân khối lớn về sau.
Đức Huy