"Mục tiêu năm 2020 Việt Nam đứng trong top 200 trường đại học hàng đầu không phải là tham vọng nhỏ. Thời gian biểu hiện thực hơn cho mục tiêu này có lẽ sẽ là năm 2060 hoặc muộn hơn", GS.TS Simon Marginson, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (ĐH Melbourne, Australia) nhận định.
Ngày 13/11, Bộ GD&ĐT và ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo Quốc tế "Xếp hạng các trường đại học: Xu thế toàn cầu và các quan điểm", với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước (Mỹ, Australia, Canada...).
Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng Giáo dục (Bộ GD&ĐT) Phạm Xuân Thanh cho biết, kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động đánh giá nhằm công nhận các trường hay chương trình giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng. Bộ GD&ĐT coi đây là biện pháp chính thức để nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quyết định phê duyệt mạng lưới trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2010. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có một trường đại học được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.
Xếp hạng trường học được coi là một trong các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ảnh: Hoàng Hà. |
Để chuẩn bị cho việc xếp hạng, ba năm gần đây, hơn 300 ĐH, CĐ đang triển khai tự đánh giá, trong đó 20 ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá và đang chờ công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Khối giáo dục đại học phấn đấu, tháng 5/2009, 90% trường hoàn thành báo cáo tự đánh giá...
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đang triển khai khảo sát thực trạng các ĐH với 23 chỉ số nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng đại học, làm căn cứ để xếp hạng các trường. Tuy nhiên, ông Thanh cho hay, trên thực tế, dữ liệu các trường cung cấp nhiều khi chưa có độ tin cậy cao. Đây là thách thức cho việc thu thập dữ liệu khi tiến hành xếp hạng.
Theo PGS TS Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo Chất lượng đào tạo và Nghiên cứu Phát triển giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), năm 2000, cả nước có 69 ĐH nhưng đến năm 2006, con số này là 139. "Tuy nhiên, sự gia tăng này không đồng nghĩa với gia tăng chất lượng giáo dục đại học. Xếp hạng đại học tại Việt Nam là một cách tiếp cận để thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo", bà Nga nói.
Tuy nhiên, nữ tiến sỹ này cho hay, việc xếp hạng không thể phản ánh đầy đủ chất lượng tổng thể của một trường ĐH mà chỉ là kết quả so sánh giữa các trường về các nguồn lực và một số kết quả trường đạt được trong tiêu chí bảng xếp hạng. Vì thế, việc xếp hạng này theo các tiêu chí quy định chứ không thiên về chất lượng.
Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sử dụng chuyên môn đào tạo sẽ được coi là một trong các tiêu chí xếp hạng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhận định, về nguyên tắc, "mục tiêu 2020" này là đúng đắn nhưng GS TS Simon Marginson, Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đại học (ĐH Melbourne, Australia) cho rằng, căn cứ vào tình trạng giáo dục ĐH hiện tại và mức độ kinh tế thì mục tiêu lọt vào top 200 trường hàng đầu là cao. Thậm chí, trong những hoàn cảnh rất thuận lợi thì cũng chỉ có thể đạt được sau năm 2020 rất xa.
Lý giải về nhận định này, TS Simon Marginson cho hay, đa số các trường trong top 100 và nhiều trường xếp thứ tự từ 101-200 đều có ít nhất một người đoạt giải Nobel. Thực tế, không có người đoạt giải thưởng Nobel về khoa học hay kinh tế trong các ĐH thuộc các nước đang phát triển và Việt Nam không là ngoại lệ.
"Mục tiêu đứng trong 200 trường đại học hàng đầu không phải là tham vọng nhỏ. Tôi lo rằng, nếu Việt Nam không đạt mục tiêu có trường nằm trong top 200 trong 12 năm nữa thì có thể thấy hình như các đại học của Việt Nam thất bại. Một thời gian biểu hiện thực hơn cho mục tiêu trường đại học top 200 có lẽ sẽ là năm 2060 hoặc muộn hơn", TS Simon Marginson nói.
Theo kế hoạch, đầu năm 2009, ban nghiên cứu của Trung tâm Đảm bảo Chất lượng đào tạo và Nghiên cứu Phát triển giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), sẽ công bố bảng xếp hạng các trường.
Giáo dục Đại học - Cao đẳng đến năm 2020: |
- 1997: cả nước có 110 ĐH, CĐ. - 2008: tổng số trường là hơn 300. - 2010: cần 386 trường (171 ĐH và 215 CĐ), đáp ứng nhu cầu 1,8 triệu SV. - 2015: cần 410 trường (195 ĐH, 285 CĐ) và có 3 triệu sinh viên. - 2020: cần 600 trường (225 ĐH, 375 CĐ) để đào tạo cho 4,5 triệu sinh viên, so với 8,5-9 triệu thanh niên trong độ tuổi học đại học trên cả nước. |
Tiến Dũng
VnExpress.