Theo PGS Douglas J.Brown, Giám đốc Viện Nghiên cứu cột sống - Sở Y tế Austin, bang Victoria, Australia kích cỡ mũ cho trẻ phải vừa vặn đầu, cân nặng mũ thay đổi theo kích cỡ, đội mũ đúng cách, thay mũ khác sau khi bị tai nạn, tăng dần kích thước mũ khi trẻ đang phát triển, nên đội mũ từ 10-20 phút, hạn chế đội hơn 2 tiếng liên tục.
Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt xinh đẹp của chị Nguyễn Thị Xuân Diễm trong khoảnh khắc nhớ lại nỗi đau mất con, cô bé Lê Xuân Hân qua đời vì tai nạn giao thông (TNGT) đã khiến đông đảo đại biểu dự Hội thảo Quốc tế tham vấn ý kiến chuyên gia về đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em tại Việt Nam (do Bộ Giao thông vận tải - WHO… tổ chức tại Hà Nội ngày 27/5) rưng rưng xúc động…
Sự ân hận còn theo mãi gia đình chị Nguyễn Thị Xuân Diễm, bởi chỉ một lần bất cẩn, không đội MBH cho con gái khi ngồi trên xe máy, bé Lê Xuân Hân đã bị ngã, chấn thương sọ não (CTSN) và ra đi vĩnh viễn ở tuổi lên 8.
Nghẹn ngào, giọng nói đứt quãng, chị Nguyễn Thị Xuân Diễm hướng cử tọa tới với câu chuyện của gia đình mình. Từ lúc bé Lê Xuân Hân qua đời ngày 20/1/2008, chị đã trở thành tình nguyện viên của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, nhiệt tình với các hoạt động tuyên truyền để các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến việc đội MBH cho trẻ em khi ngồi trên xe máy.
Theo TS Trần Thị Ngọc Lan, Cục Y tế dự phòng và môi trường - Bộ Y tế, tai nạn thương tích (TNTT) là nguyên nhân chính (46,7%) gây tử vong cho nhóm tuổi từ 5-19, trong đó TNGT là nguyên nhân hàng đầu. Trung bình mỗi năm có 1.920 trẻ tử vong do TNGT.
Theo ghi chép sơ bộ tại 100 bệnh viện năm 2008, có tới hơn 27% trường hợp tử vong hoặc nặng xin về bị CTSN do TNGT, trong đó 13,4% là trẻ dưới 14 tuổi. Điều đáng lo ngại là có tới gần 1/2 số trẻ bị CTSN không đội MBH.
Bác sỹ Đồng Văn Hệ - Bệnh viện Việt Đức phân tích, trẻ em có đặc điểm xương sọ mềm, có thể "uốn cong", xương sọ và màng cứng nhiều mạch máu, màng cứng không dính sát xương sọ, khoang dưới nhện rộng, nhiều mạch máu, tỷ lệ nước ở não nhiều, trẻ nhỏ còn thóp… Do đó, nhiều trường hợp trẻ bị CTSN do TNGT bị phù não rất nhanh, dễ suy thở, suy tuần hoàn dù mất máu ít, điều trị tốn kém và để lại di chứng nặng nề.
Còn theo PGS Douglas J.Brown, Giám đốc Viện Nghiên cứu cột sống - Sở Y tế Austin, bang Victoria, Australia, xương trẻ em có tính đàn hồi hơn xương người lớn, nhưng sức yếu hơn, dễ biến dạng trước khi tàn phế. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2009, có tới 66,7% trường hợp trẻ bị CTSN vào Bệnh viện Việt Đức là do TNGT. Số liệu của Bệnh viện Việt Đức chứng minh: Đội MBH sẽ làm giảm tới hơn 72% trường hợp CTSN.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bác sỹ Đặng Xuân Vinh đã đưa ra con số thống kê đáng lưu ý: Đến năm 2007, bệnh nhi bị CTSN do TNGT nhập viện thường ở lứa tuổi 5-14, khi trẻ đã bắt đầu đi học và tham gia giao thông hàng ngày, còn lứa tuổi 0-4 thường bị CTSN do TNTT trong gia đình… Nhưng năm 2008, số trẻ ở tuổi 5-14 bị CTSN do TNGT đã giảm (208) thấp hơn so với trẻ 0-4 tuổi (304). Điều này có thể do năm 2008, quy định bắt buộc đội MBH bắt đầu có hiệu lực. Các thương tổn nặng nề trong sọ (máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng, máu tụ trong não…) chiếm đa số và xảy ra nhiều nhất ở lứa tuổi 3-6, kế tiếp là lứa tuổi 7-12.
PGS Douglas J.Brown, Giám đốc Viện Nghiên cứu cột sống - Sở Y tế Austin, bang Victoria, Australia đã khuyến cáo, đưa ra những hướng dẫn sử dụng MBH an toàn cho trẻ em: Kích cỡ mũ phải vừa vặn đều, cân nặng mũ thay đổi theo kích cỡ (mũ nhỏ khoảng 250g, mũ to cho người lớn khoảng 400-500g), đội mũ đúng cách, thay mũ khác sau khi bị tai nạn, tăng dần kích thước mũ khi trẻ đang phát triển, nên đội mũ từ 10-20 phút, hạn chế đội hơn 2 tiếng liên tục.
Theo CAND online.