Với truyền thống văn hóa và các chuẩn mực đạo đức của một nước chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo và có những đặc thù riêng như Việt Nam, chắc chắn mại dâm không được coi là một nghề, ít nhất là trong thời điểm này.
Không thừa nhận, nhưng việc Luật xử phạt vi phạm hành chính bỏ quy định áp dụng biện pháp quản lý, giáo dục tại địa phương và đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm đã cho thấy một “cái nhìn khác” về những người bán dâm và công việc của họ.
Thực tế cho thấy, phần lớn những người phải nhắm mắt bán thân kiếm tiền, bất chấp người đời khinh bỉ, đều có hoàn cảnh đáng thương. Sinh ra và lớn lên trong cuộc đời, có ai lại muốn đi làm nghề này, trừ những kẻ bệnh hoạn, lười lao động, thích ăn chơi hưởng lạc?
Có lẽ, tình thế quẫn bách, những thúc giục của cuộc sống cơm áo gạo tiền, thậm chí đứng giữa cái sống và cái chết của những người thân, họ đã không còn con đường nào khác. Họ chấp nhận tủi nhục, chấp nhận bán phẩm giá của mình với giá rẻ mạt, chỉ để kiếm được những đồng tiền mà nhờ nó, rất có thể bố mẹ họ qua được cơn hoạn nạn, con cái họ được tiếp tục đến trường… Ở góc độ nào đó, có thể xem họ như là những nạn nhân đáng thương trong xã hội.
Nhưng rồi “cái nhìn khác” ấy cũng sẽ làm nảy sinh hàng loạt vấn đề: không đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm, ai sẽ chịu trách nhiệm nếu bệnh tật từ những người bán dâm lây lan trong cộng đồng? Chỉ xử phạt hành chính 300.000 đồng nếu bị bắt, liệu số người bán dâm có tăng lên như lo ngại của nhiều người? Gái bán dâm càng tăng, nguy cơ bệnh tật trong xã hội cũng tỷ lệ thuận, lúc đó ai sẽ đứng ra xử lý và xử lý như thế nào?
“Cái nhìn khác” đã cho thấy một sự thay đổi về quan niệm. Nhưng thật sự nó chưa “tới” để có thể giải quyết thấu đáo, gốc rễ của vấn đề. Đặt giả thiết, nếu không có những người bán dâm, không tồn tại hoạt động mại dâm, liệu số vụ cưỡng dâm, hiếp dâm, loạn dâm… có gia tăng hay không? Phải chăng, đã đến lúc cần một “cái nhìn khác” khác hơn rất nhiều về người bán dâm và công việc của họ?
Theo Đất Việt.