Chiều 4/1, Bộ Công an thông báo Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành tiếp nhận Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", 42 tuổi, trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) sau khi bị Singapore trục xuất về nước, để điều tra theo quy định của pháp luật.
Tại sao Vũ 'nhôm' trốn được ra nước ngoài?
Đại tá Lê Công Thạnh, nguyên Chỉ huy trưởng Tỉnh đội Quảng Nam Đà Nẵng (cũ), cho biết khi nghe tin "Vũ “nhôm” bị bắt, bản thân ông và anh em cựu chiến binh rất mừng.
"Mọi thứ diễn ra nhanh chứng tỏ quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước", ông Thạnh nói.
Ngôi nhà ở đường Trần Quốc Toản (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) của Vũ "nhôm". Ảnh: Hồ Giáp.
"Công an cần làm rõ khối tài sản của Vũ từ đâu mà có. Nếu khối tài sản trên do chiếm của dân, Nhà nước thì buộc phải trả lại. Vũ phải trả tài sản và bị xử lý như thế nào thì Cơ quan cảnh sát điều tra phải làm nghiêm minh", ông Thạnh đề nghị.
Ông Nguyễn Quang Nga, nguyên đại biểu HĐND Đà Nẵng, cho biết khi biết tin Bộ Công an tiếp nhận và đưa Vũ về nước, bản thân ông và người dân rất phấn khởi. Ông nói việc đưa bị can về nước để điều tra thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và chứng tỏ công tác phòng chống tham nhũng không có vùng cấm.
Theo vị cựu đại biểu này, sau khi Vũ bỏ trốn người dân rất bức xúc. Trong giai đoạn 2006 đến 2010, Vũ đã thâu tóm rất nhiều tài sản công ở Đà Nẵng. Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng đã từng đề cập đến những sai phạm về đất đai liên quan đến ông ta. Từ đầu năm 2017, báo chí và cử tri cũng bức xúc phản ánh rất nhiều về Vũ "nhôm".
"Tại sao Vũ có thể tẩu tán tài sản rồi bỏ trốn? Bộ Công an phải làm rõ những câu hỏi trên", ông Nga nhấn mạnh.
"Ông Vũ ngông nghênh nhiều năm qua. Cần làm rõ những uẩn khúc đằng sau chuyện ông Vũ “nhôm” để người dân thêm tin vào sự trong sạch của bộ máy, vào Nhà nước pháp quyền", ông Thuyết nói.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng phải làm rõ tại sao Vũ chạy trốn trước khi công an quyết định khởi tố, bắt tạm giam.
Từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh (cựu Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang) và Phan Văn Anh Vũ, ông Thuyết kiến nghị phải xem nguyên nhân ở đâu và xử lý ngay.
Ông Thuyết cho rằng cần làm rõ Vũ có phải sĩ quan an ninh không. Theo thông tin trên báo chí thì ông Vũ là doanh nhân, đồng thời cũng là thượng tá an ninh. Nếu thông tin này đúng thì ai chịu trách nhiệm?
Ai bán tài sản công cho Vũ "nhôm"?
Khẳng định Vũ "nhôm" đã và đang sở hữu nhiều lô đất, nhà công sản ở Đà Nẵng, ông Hồ Việt, nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho rằng trách nhiệm thuộc về các đời lãnh đạo chính quyền địa phương.
"Điều này được thể hiện trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố năm 2013. Vũ mua xong rồi bán lại cho người khác hưởng tiền chênh lệch nên giàu lên", ông Việt cho hay.
Ông Phan Văn Anh Vũ.
"Cái bất thường là tại sao chỉ mình Vũ mua được nhiều tài sản công đến vậy mà không phải người khác?", ông Việt đặt câu hỏi và tự trả lời:
"Ở đây, anh (tức Phan Văn Anh Vũ) phải "lại quả" rất lớn thì mới có sự ưu ái đến vậy. Vũ bị bắt, cơ quan chức năng phải trả lời cho dân về những nghi vấn này".
Ông Việt cho rằng, ngày 21/12/2017, Bộ Công an ra lệnh khởi tố bị can về hành vi Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo điều 263 Bộ luật hình sự.
"Vũ bị bắt thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ người nào bán tài sản công với giá rẻ, trái luật. Chúng tôi rất mong muốn cơ quan chức năng làm triệt để vấn đề này", ông Việt nói.
Nguồn: ZING.VN