Ranh giới giữa việc học và làm trong các chương trình du học nghề chưa rạch ròi. Có nơi gọi là tu nghiệp sinh, có nơi lại gọi là xuất khẩu lao động.
Với việc vừa được đào tạo nghề, vừa đi làm chính nghề đó ở nước ngoài để có thu nhập, du học nghề đang được nhiều bạn trẻ quan tâm.
Tuy nhiên đến nay chưa có các văn bản quy định về hình thức du học này.
Nhiều chương trình du học nghề
Trong thời gian qua, phổ biến nhất là các chương trình du học tại Hàn Quốc, Đức, Úc, Canada…
Đối với các chương trình du học nghề tại Đức, người học phải đạt trình độ tiếng Đức là B2.
Bà Thúy Hà, nhân viên một trung tâm du học tại TP.HCM, cho biết:
“Các nghề tại Đức đang thu hút nhiều bạn trẻ theo học gồm có điều dưỡng, nhà hàng, khách sạn, đầu bếp, cơ khí…
Muốn có thị thực du học nghề ở Đức, ứng viên phải chứng minh tài chính, mức tối thiểu là có 4.800 euro trong tài khoản phong tỏa”.
Khác với chương trình dự bị và ĐH tại Đức, du học nghề không yêu cầu phải có điểm học bạ cao, không đòi hỏi các thủ tục phức tạp như TestDAF, APS…
Tại Úc, các chương trình nghề do trường CĐ hoặc trường phổ thông giảng dạy, dành cho học sinh đã học xong lớp 10 đến lớp 12, với 8 loại bằng cấp, chứng chỉ từ thấp đến cao; thời gian ngắn nhất từ 4 – 6 tháng và dài nhất là 1 – 1,5 năm.
Tại Hàn Quốc, có 2 hình thức du học nghề khác nhau, theo thị thực D2 hoặc D4-6.
Hình thức D2 là du học nghề cơ bản được đào tạo nghề tại các trường ĐH, CĐ, sau khi ra trường sẽ được cấp bằng nghề.
Còn D4-6 là chương trình đào tạo nghề tại các trung tâm đào tạo tư nhân, sau khi ra trường sẽ được cấp chứng chỉ chứ không phải bằng nghề.
Cần lưu ý vì chưa có quy định
Tuy nhiên, vấn đề du học nghề đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể, nên người học cần thận trọng tìm hiểu kỹ để tránh bị thiệt thòi.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh – sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhìn nhận:
“Đối với chương trình du học lấy bằng cử nhân thì có Bộ GD-ĐT quản lý và công nhận tương đương bằng cấp. Với chương trình xuất khẩu lao động thì có Cục Quản lý lao động ngoài nước quản lý.
Nhưng với du học nghề thì hiện nay mới đang bắt đầu trình để đưa vào nghị định quy về việc quản lý du học sinh đi học nghề tại nước ngoài và người nước ngoài học nghề tại VN”.
Theo một cán bộ Bộ LĐ-TB-XH, ranh giới giữa việc học và làm trong các chương trình du học nghề chưa rạch ròi.
Có nơi gọi là tu nghiệp sinh, có nơi lại gọi là xuất khẩu lao động.
Tìm hiểu kỹ những chương trình du học nghề để tránh gặp phải rắc rối
“Với những người du học nghề thông qua các công ty tư vấn du học, chương trình học có thực hiện đúng hay không, việc trả lương như thế nào, liệu có đúng như cam kết thì chưa có ai quản lý, xác minh.
Có nhiều người du học nghề lại được đưa tới những khu nhiễm xạ để làm việc, ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc đi làm chui, không đúng với luật pháp nước bạn.
Khi gặp rủi ro trong quá trình du học nghề, bị tước quyền lợi, bị lừa… thì rất khó có người đứng ra bảo vệ, vì cơ quan ngoại giao VN ở nước ngoài chỉ bảo vệ quyền lợi cho những người đi học, đi làm hợp pháp.
Chính vì vậy, người học cần hết sức cân nhắc, tìm hiểu kỹ những chương trình du học nghề để tránh gặp phải rắc rối”, vị cán bộ này đưa ra lời khuyên.
Mỹ Quyên
Theo: thanhnien.vn
Xem thêm về nghề Điều dưỡng tại Đức:
Nghề điều dưỡng ở Đức: Những sự thật đằng sau tên gọi "mỹ miều"
Điều dưỡng ở Đức: Những thông tin quan trọng Bạn cần biết