Căng thẳng "đường đua" vào lớp 10Nhiều phụ huynh đang “ngồi trên đống lửa” chờ số liệu thống kê toàn cảnh lượng học sinh đăng ký vào các THPT của Sở GD-ĐT để điều chỉnh lần cuối nguyện vọng vào lớp 10 của con em mình.

Năm học 2009 - 2010, các THPT công lập tại TP HCM có hơn 57.000 chỗ học cho học sinh vào lớp 10 nhưng sẽ có hơn 74.000 học sinh dự kiến tốt nghiệp THCS. Như vậy, sẽ có trên 17.000 học sinh không được học lớp 10 ở các THPT công lập. Và nếu chọn nguyện vọng sai lầm, sẽ có những học sinh rớt lớp 10 oan uổng.

Hôm nay là ngày cuối để học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng (NV) vào lớp 10. Ngày 19/5, Sở GD-ĐT công bố toàn cảnh ban đầu về lượng học sinh đăng ký vào các THPT. Sau đó, học sinh có một tuần để thay đổi nguyện vọng tại THCS đang học. Đây là lần thay đổi cuối cùng. Vì thế, nhiều phụ huynh đang “ngồi trên đống lửa” chờ số liệu thống kê của Sở GD-ĐT.

 

Không biết trường nằm đâu nhưng cứ chọn

Chị Phạm Thu Vân, ở quận 10, cho biết đã đăng ký nguyện vọng cho con gái vào ba trường: Nguyễn Thị Minh Khai, Phú Nhuận, Nguyễn Du và nguyện vọng chuyên vào Trần Đại Nghĩa. Chị nói: “Căn cứ vào điểm kiểm tra học kỳ vừa rồi, 46 điểm, tôi hy vọng con mình sẽ vào Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu không, chí ít cũng phải vào được Phú Nhuận”. Tuy nhiên, chị Vân chưa biết trường Phú Nhuận nằm ở đường nào, có gần nhà hay không. Chị cho biết: “Tôi chỉ biết trường Phú Nhuận cũng chất lượng nên đăng ký nguyện vọng 2 cho con”.

Tương tự, chị Hoàng Thị Thanh Ly, nhà ở quận Tân Bình nhưng chọn nguyện vọng 3 cho con vào THPT Gò Vấp. Chị Ly chưa một lần đến trường này. Chị nói: “Trường khá xa nhà nhưng điểm chuẩn phù hợp nên tôi đăng ký cho con, phòng trường hợp “xui xẻo” bị rớt. Gia đình không có điều kiện để cháu học dân lập”.

Theo tìm hiểu, khá nhiều phụ huynh chọn cho con mình những trường xa nhà nhưng có điểm chuẩn… dễ thở. Đối với những phụ huynh có con em học khá giỏi thì chọn thêm một nguyện vọng ở trường chuyên với tâm lý “được thì tốt không được cũng không sao”.

Rải đều các nguyện vọng

Kinh nghiệm của nhiều năm trước, để tránh tình trạng rớt, trong khi điểm thi rất cao, một số chuyên gia khuyên phụ huynh và học sinh nên “rải đều” các nguyện vọng trên cơ sở sức học và tham khảo điểm chuẩn các THPT trong những năm vừa qua. Cụ thể, nếu học lực giỏi, có thể chọn nguyện vọng 1 vào trường có điểm chuẩn từ 35 điểm trở lên, nguyện vọng 2 từ 30 điểm đến 34,75 điểm, nguyện vọng 3 từ 25 điểm đến 29,75 điểm.

Nếu học lực khá, học sinh có thể chọn nguyện vọng 1 vào trường có điểm chuẩn từ 30 điểm đến 34,75 điểm, nguyện vọng 2 từ 25 điểm đến 29,75 điểm, nguyện vọng 3 dưới 25 điểm.

Với sức học trung bình khá thì nên chọn nguyện vọng 1 và 2 vào các trường có mức điểm chuẩn dao động từ 25 điểm đến 29,75 điểm, nguyện vọng 3 dưới 25 điểm. Nếu học lực trung bình, có thể chọn nguyện vọng 1 vào trường có điểm chuẩn từ 25 điểm đến 29,75 điểm, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 dưới 25 điểm. Ngoài ra, học sinh cũng nên đăng ký vào trường gần nhà để tiện đi lại...

Nếu xét thấy khả năng của mình đủ điều kiện để vào lớp, trường chuyên thì có thể đăng ký nguyện vọng vào các trường như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa… Theo quy định, điểm chuẩn giữa các nguyện vọng chênh lệch nhau không quá một điểm.  

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Ngai, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết, đề thi sẽ nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9. Cơ cấu bao gồm khoảng 70% là những vấn đề cơ bản học sinh đã được học, còn lại khoảng 30% là kiến thức có tính nâng cao để đảm bảo tính phân hóa. Dạng đề tương tự như đề kiểm tra học kỳ 2 của lớp 9.

Theo Đất Việt.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC