Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường, Tổng cục Môi trường, bên cạnh các nguồn ô nhiễm trong nước, Việt Nam đang đối mặt ô nhiễm không khí xuyên biên giới do nằm cạnh một số quốc gia có hoạt động sản xuất khá mạnh như Trung Quốc.
Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo ô nhiễm không khí, thực trạng và giải pháp, do Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 25/4.
Ô nhiễm thủy ngân từ Trung Quốc
Theo ông Thùy, chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng của một hai nước lân cận mà còn bị ảnh hưởng từ những vùng khá xa.
Đặc biệt, vào mùa đông ở miền bắc, khi gió mùa đông bắc tràn xuống, chắc chắn các chất ô nhiễm từ Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam.
Thời gian qua, lắng đọng axit có biểu hiện ô nhiễm, sương mù quang hóa cũng xuất hiện, rõ nhất là vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM.
Mặc dù lắng đọng axit, sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới chưa có biểu hiện rõ ràng nhưng đã xuất hiện những dấu hiệu ảnh hưởng nhất định.
Riêng việc quan trắc lắng đọng axit đã phát hiện chất ô nhiễm từ các quốc gia khác.
Đáng lưu ý là ô nhiễm thủy ngân – một trong những độc tố nguy hiểm nhất.
Theo ông Thùy, đây là vấn đề được các quốc gia trên thế giới quan tâm nhiều.
Trên bản đồ đánh giá nguồn phát thải thủy ngân trong không khí thế giới, các nhà khoa học đánh dấu toàn bộ dải bờ biển phía đông Trung Quốc dày đặc các nguồn phát tán thủy ngân.
Thủy ngân từ Trung Quốc phát tán vào các quốc gia xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí sang cả Mỹ.
Việt Nam chưa có số liệu đo đạc trực tiếp nhưng chắc chắn không tránh khỏi vì rất gần (nằm sát biên giới) và thuận tiện cho việc phát tán (do gió mùa đông bắc đem tới).
Ông Thùy cho biết thêm, thời gian tới, Công ước Miamanta (công ước ra đời sau sự cố hàng nghìn người chết do nhiễm độc thủy ngân ở vịnh Miamanta, Nhật Bản) đã được 38 quốc gia phê duyệt, nếu đủ 50 quốc gia phê duyệt, công ước này sẽ có hiệu lực.
Khi đó sẽ xây dựng mạng lưới ô nhiễm thủy ngân toàn cầu để theo dõi diễn biến và sự lan truyền thủy ngân trong khí quyển.
Cũng theo ông Thùy, Việt Nam đã bắt đầu tham gia mạng quan trắc lắng đọng axit, thủy ngân, các chất ô nhiễm xuyên biên giới, một thời gian nữa sẽ có số liệu.
Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường cho rằng, ô nhiễm thủy ngân từ Trung Quốc đã lan sang Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả Mỹ thì Việt Nam nằm ngay gần, khó tránh khỏi.
Theo ông Tiến, Việt Nam nên dựa vào các công ước quốc tế để xây dựng các cam kết giữa hai quốc gia về các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới.
Các chất ô nhiễm từ Trung Quốc có nguy cơ tràn vào Việt Nam. Ảnh: Như Ý.
Ô nhiễm Ozon có diễn biến khác thường
Tại hội thảo, các vấn đề nổi cộm trong ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt là ô nhiễm ở các đô thị được nêu ra.
Bên cạnh ô nhiễm bụi đã được cảnh báo nhiều lần, vấn đề ô nhiễm Ozon (O3) cũng được đề cập.
Ozon là loại khí có khả năng ngăn chặn các tia cực tím có hại cho sự sống của trái đất ở tầng bình lưu.
Tuy nhiên, ở tầng đối lưu (sát mặt đất) có thể gây ra nhiều bệnh hô hấp cho con người khi vượt ngưỡng cho phép.
Ô nhiễm Ozon đang có xu hướng gia tăng trong không khí ở các đô thị lớn nước ta.
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, kết quả quan trắc không khí ở cả ba miền bắc, trung, nam đều ghi nhận nồng độ ozon vượt ngưỡng cho phép với tỷ lệ không thấp, nhất là các ngày nắng nóng, cao nhất ở thời điểm 12-15h.
Đặc biệt, xuất hiện hiện tượng Ozon cao về đêm. Điều này trái quy luật, cần được quan tâm, lưu ý.
Việc gia tăng nồng độ Ozon trong không khí làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh về hô hấp ở các thành phố lớn.
Nồng độ Ozon trong không khí tăng cao gây nguy hại cho sức khỏe con người, nhất là với trẻ em, người già và người hoạt động nhiều ngoài trời.
Ozon làm tổn thương đường dẫn khí, gây viêm các tế bào, gây ho, ngứa họng, khó chịu trong lồng ngực đồng thời làm giảm chức năng phổi, làm nặng hơn các bệnh về hô hấp.
Nhận định chung về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí đô thị, ông Nguyễn Văn Thùy cho biết, Tổng cục Môi trường hai lần làm báo cáo quốc gia về môi trường không khí vào năm 2007 và 2013.
Ghi nhận ở báo cáo 2013, môi trường không khí chưa có sự cải thiện so với báo cáo 2007. Các đô thị lớn của nước ta chịu ảnh hưởng đồng thời của 5 nguồn gây ô nhiễm là giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dân sinh và hoạt động nông nghiệp, làng nghề.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, ở Việt Nam, có tới hơn 50% số ngày trong năm có chất lượng không khí kém, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới.
Cần có Luật Không khí sạch
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một luật riêng về không khí, có thể gọi là Luật Không khí sạch nhằm cụ thể hóa các quy định về vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam.
Hiện nay, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2013. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các quy định này còn chung chung, khó triển khai trong thực tế.
Nguồn: Nguyễn Hoài
Báo Tiền Phong