Ngao ngán cảnh đợi chờ giữa biển người
Nhân dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, anh Sùng A Lềnh (30 tuổi, quê Lào Cai) tổ chức chuyến du lịch cho 15 thành viên trong gia đình tới Hạ Long, Quảng Ninh. Từng tới Hạ Long một đôi lần vào dịp này các năm trước, nhưng anh Lềnh chia sẻ, chưa năm nào thấy Hạ Long đông quá tải như năm nay.
Cảnh tắc đường ở Hạ Long trong dịp lễ vừa qua (Ảnh: Hạ Long Seaside Estates).
Ngày 27/4, anh Lềnh cùng gia đình thuê một chiếc tàu đi thăm quan Vịnh Hạ Long trọn gói với giá 12 triệu đồng bao gồm tiền tàu, vé tham quan, ăn uống. Đoàn nhà anh Lềnh phải chờ đợi hơn một tiếng mới được lên tàu vì "nhìn đâu cũng thấy người xếp hàng chờ".
Tối 28/4, đoàn của anh Lềnh di chuyển tới bãi tắm Công viên Đại Dương để tham gia các hoạt động Carnaval Hạ Long 2024.
Lường trước được tình hình đông đúc, anh Lềnh cùng người thân ăn uống sớm để di chuyển ra công viên. Khách sạn cách công viên 3km, tuy nhiên, họ không thể bắt được taxi vì tình trạng "cháy xe", đường tắc. Cực chẳng đã, cả đoàn người lớn, trẻ em buộc phải len lỏi giữa dòng xe, cùng nhau đi bộ ra bãi biển.
Ra tới nơi họ choáng ngợp khi thấy bãi biển kín ken người. "Nhìn quanh tôi thấy ai cũng nhễ nhại mồ hôi, thời tiết nóng nực vô cùng, du khách chen nhau từng chỗ ngồi. Người lớn còn chịu được chứ trẻ con trông rất khổ sở", anh Lềnh nhớ lại.
Nhiều du khách ngồi vạ vật chờ bớt tắc đường để trở về nơi nghỉ (Ảnh: Tran Lan Anh).
Giống như hàng vạn du khách khách, họ không thể vào khu vực trung tâm sân khấu mà chỉ ngồi trên bãi biển chờ đợi màn trình diễn drone light (máy bay không người lái xếp hình) và bắn pháo hoa.
Kết thúc màn trình diễn, đoàn của anh Lềnh thống nhất ngồi đợi thêm một tiếng, chờ xung quanh giãn bớt mới ra về vì sợ lạc nhau. Hàng nghìn người cùng di chuyển trên bãi cát khiến không khí đặc quánh, vô cùng khó thở.
Ở chiều về, họ vẫn không bắt được xe, phải tiếp tục đi bộ 3km để về khách sạn. Lúc này, ai nấy đã thấm mệt sau một ngày đi chơi, vạ vật chờ đợi cả buổi tối.
"Đi chơi ngày lễ đến đâu cũng đông đúc, chờ đợi khiến nhiều lúc tôi thấy đi nghỉ ngơi mà như đi hành xác", anh Lềnh chia sẻ về chuyến đi hơn 30 triệu đồng của cả gia đình.
Cũng có mặt ở Hạ Long dịp lễ này, anh Lê Tuấn Anh (Hà Nội) đã cẩn thận thuê khách sạn gần điểm tổ chức chương trình trình diễn ánh sáng. Tuy nhiên, anh Tuấn Anh vẫn không tránh khỏi cảnh khổ vì tắc đường.
Xe của anh Tuấn Anh nhích từng chút một trên quãng đường chưa đến 500m về khách sạn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
"Tôi sai lầm khi đi chơi không về khách sạn cất xe mà lại đi luôn ra bãi biển. Đến khoảng 22h khi ra về, chúng tôi mất một tiếng đồng hồ để di chuyển quãng đường chưa đầy 500m. Xe cứ nhích từng tí một vì đường tắc cứng. Trừ chuyện này ra thì chuyến đi chơi khá vui", anh Tuấn Anh kể.
Gia đình 4 người của chị Trần Thu Hiên (Hà Nội) thì lựa chọn Sa Pa (Lào Cai) là điểm đến trong dịp lễ này.
Vì đi đúng dịp lễ nên đến bất cứ điểm du lịch nào, vợ chồng chị Hiên và 2 con nhỏ cũng phải xếp hàng chờ đợi rất lâu.
Chị Hiên kể: "Để lên đỉnh Fansipan du khách phải đi qua 3 trạm: Tàu Mường Hoa, cáp treo, tàu Đỗ Quyên. Sáng 28/4, 8h chúng tôi có mặt tại Sunplaza, đợi khoảng một tiếng thì lên được tàu Mường Hoa.
Ngồi tàu khoảng 5-10 phút, chúng tôi đến được ga cáp treo. Tại đây, cả nhà lại đợi một tiếng để lên cáp treo, sau đó lại đợi khoảng một tiếng nữa lên tàu Đỗ Quyên rồi leo bộ một đoạn lên đỉnh Fansipan. Tổng thời gian chờ để lên đỉnh là khoảng 3 tiếng.
Nhà tôi xác định đến các nơi trong thời điểm này đều đông và phải chờ đợi nên thấy không quá sốt ruột. Tuy nhiên, nhiều người không chuẩn bị tâm lý nên dễ cáu kỉnh, mệt mỏi. Cộng với việc thay đổi nhiệt độ đột ngột, nhiều du khách không mang áo ấm nên bị lạnh, có người vừa mệt vừa lạnh và phải gọi hỗ trợ y tế".
Sau khi chờ đợi hơn 3 tiếng đồng hồ, gia đình chị Hiên mới chinh phục được "nóc nhà Đông Dương".
Sáng 29/4, gia đình chị Hiên đến tham quan cầu kính Rồng Mây. Họ tiếp tục phải chờ đợi khoảng 3 tiếng mới tới được cầu kính.
Theo chị Hiên, trung bình thời điểm dịp lễ, du khách phải đợi khoảng 2-3 tiếng để được trải nghiệm các điểm đến ở Sa Pa. Đôi khi đến các điểm cuối cũng chỉ ngắm cảnh 15-20 phút.
Từ chuyến du lịch của gia đình, chị Hiên cho rằng, nếu có thời gian thì du khách nên chọn đi ngày thường để tránh phải chờ đợi, chen chúc và có được cảm giác nghỉ ngơi đúng nghĩa.
Chịu nóng cắm trại dưới trời 40 độ C
Người dân cắm trại tại công viên Yên Sở giữa thời tiết nắng nóng (Ảnh: Hồng Anh).
Không đi chơi xa vì sợ đông người, chị Thùy Anh cùng nhóm bạn lựa chọn đi cắm trại, dã ngoại tại công viên Yên Sở, Hà Nội. Tuy nhiên, vì thời tiết nắng nóng nên buổi cắm trại chẳng đem đến cho gia đình cảm giác thư thái, vui vẻ như mong đợi.
Chị Thùy Anh kể: "Vì tôi đã hứa sẽ đưa các con đi cắm trại nên không thể không giữ lời. Tụi nhỏ còn chuẩn bị nhiều đồ ăn vặt, tôi thì mua bếp nướng, thức ăn, hoa quả nên cả nhà vẫn quyết định ra công viên cắm trại".
"Cố chấp" đi theo kế hoạch đã đề ra nên đến 12h, khi chiếc quạt tích điện đã cạn kiệt, hai đứa trẻ nhễ nhại mồ hôi mệt lử chẳng buồn chạy nhảy, cả nhà chị Thùy Anh vội tháo chạy về nhà. Vì nắng nóng, họ chỉ uống hết nước, ăn chút hoa quả, thịt nướng, xúc xích rán gần như còn nguyên.
Nhiệt độ ngoài trời ở Hà Nội nhiều ngày nay ghi nhận ở mức trên dưới 40 độ C. Nhiều gia đình, nhóm bạn trẻ vẫn quyết định dựng lều cắm trại, nướng thịt giữa thời tiết khắc nghiệt này.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày nên nhiều người lựa chọn đưa gia đình đi du lịch. Các điểm đến ở miền Bắc như Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sa Pa (Lào Cai), các bãi biển ở miền Trung ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng… được người dân lựa chọn là nơi tránh nóng.
Tuy nhiên, vì quá đông người tham quan du lịch và kỳ nghỉ diễn ra vào đúng thời điểm nắng nóng gay gắt nên nhiều người đã có những trải nghiệm không thật trọn vẹn khi đi "du lịch chữa lành".
Tình trạng chung họ đều phải chờ đợi nhiều tiếng tại các điểm tham quan, đôi khi chấp nhận dịch vụ ăn uống không tương xứng với giá tiền…
Nguồn: Báo điện tử Dân trí