Cảnh giác với "bóng ma" lạm phátMột lượng tiền lớn với chi phí rẻ dùng để kích cầu đã được đưa vào thị trường nhằm cản đà suy giảm của nền kinh tế.

Các gói kích cầu của Chính phủ đang phát huy tác dụng, sản xuất bước đầu hồi phục, tâm lý lạc quan của người tiêu dùng đã trở lại khiến thị trường tiêu dùng sôi động hơn. Tuy nhiên, như một phản ứng phụ của liều thuốc tăng cung tiền, nguy cơ lạm phát cao trở lại là điều cần được cảnh báo sớm.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 4 tháng đầu năm nay tăng thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,68% so với tháng 12/2008 (4 tháng đầu năm 2008, CPI tăng tới 9,15%). Ước tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 4 tháng đầu năm nay đạt khoảng 360.358 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2008. Dự báo, CPI tháng 5 sẽ tăng khoảng 0,5% so với tháng 4/2009.

Mặc dù vậy, nhiều nhà kinh tế cho rằng, với những diễn biến của tình hình thời tiết và dịch bệnh năm nay dự báo khá bất thường, việc tăng lương tối thiểu cho các đối tượng là công chức, viên chức và lương hưu trí hưởng lương ngân sách bắt đầu thực hiện trong tháng 5 sẽ góp phần làm tăng khả năng thanh toán trong dân cư..., cộng với tâm lý "ăn theo" có thể đẩy CPI tăng cao.

Khi những tín hiệu lạc quan về sức tăng trưởng của nền kinh tế mới nhen nhóm trở lại thì nỗi lo về tái lạm phát cũng bắt đầu xuất hiện. Tiến sỹ Trần Du Lịch, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM nhận định, lạm phát cao ở Việt Nam có những nguyên nhân trực tiếp, nhưng nguyên nhân sâu xa của nó xuất phát từ cơ cấu kinh tế do hiệu quả đầu tư thấp và một nền kinh tế gia công quá dựa vào đầu ra, đầu vào của thế giới, nên biến động về giá sẽ rất lớn.

Ngoài ra, tác động trực tiếp và tức thời có thể gây ra lạm phát là chính sách tiền tệ. Năm 2008, lạm phát tăng cao một phần do tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng từ 30% lên 53%.

Vậy nền kinh tế Việt Nam có tái diễn tình trạng lạm phát cao vào cuối năm 2009? Theo quan điểm của ông Lịch thì điều này khó xảy ra, bởi lạm phát bắt nguồn từ nguyên nhân do chi phí đẩy chưa xuất hiện (trừ khi thế giới trở lại 3 cơn sốt về lương thực - thực phẩm, sắt thép và nguyên nhiên liệu như năm 2008). Còn nguyên nhân thứ hai có thể gây lạm phát trở lại là do cầu kéo - tổng cầu tăng cũng khó xảy ra, vì sức mua hiện nay chưa đến mức gây ra lạm phát cao.

Chỉ còn lại yếu tố làm tăng tổng cầu đó là khối lượng tiền tệ, nhưng nếu Chính phủ kiểm soát mục tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng dưới 20% và kiểm soát chặt chẽ dòng tiền để không xảy ra tình trạng như 2 năm trước thì tổng cầu sẽ không tăng và không thể gây lạm phát.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được khối lượng tiền tệ khiến tổng cầu bị đẩy lên (sức mua không tăng nhưng khối lượng tiền tệ tăng) thì nguy cơ lạm phát sẽ trở lại giống diễn biến CPI năm 2007 và năm 2008.

Lo ngại của ông Lịch không phải không có cơ sở. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán tháng 4/2009 ước tăng 3,43% so với tháng trước đó và tăng 11,4% so với cuối năm trước; trong đó, tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 19,37% so với cuối năm trước. Đầu tư cho nền kinh tế tháng 4/2009 cũng ước tăng 4,86% so với cuối tháng trước và tăng 11,16% so với cuối năm trước.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, Trưởng ban Hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, lạm phát trong năm nay vẫn trong khả năng kiểm soát được, nếu tính cả tác động của gói kích cầu thì CPI của Việt Nam năm 2009 sẽ tăng khoảng 6 - 9%.

"Chính phủ dự báo lạm phát năm 2009 là không quá 6%, nhưng theo tôi mức lạm phát năm nay sẽ dao động trong khoảng 6 - 9%. Lạm phát trong năm 2009 không đáng ngại, nhưng tôi lo ngại mức lạm phát của những năm sau, khi tác dụng của các gói kích cầu thực sự ngấm vào nền kinh tế", ông Thành chia sẻ và cho biết thêm, hiện tại tỷ lệ gói vốn kích cầu kinh tế trên GDP của Việt Nam nằm trong tốp đầu trên thế giới, bằng 8,9% GDP năm 2008, chỉ đứng sau Trung Quốc và Malaysia (gói kích cầu của Trung Quốc chiếm 13,3% GDP; Malaysia 9% GDP). Điều này thể hiện sự quyết liệt trong việc chống suy giảm kinh tế, nhưng cũng dễ gây ra tình trạng lạm phát do tăng cung tiền.

Theo ĐTCK.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC