“Cảnh sát giao thông (CSGT) hoá trang (mặc thường phục) trong khi làm nhiệm vụ sẽ không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ làm nhiệm vụ phát hiện, sau đó phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai để ra quyết định xử phạt” - Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (C26) khẳng định.
Thông tư 27/2009/TT vừa được Bộ Công an ban hành cho phép lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ (CSGT) được mặc thường phục để tuần tra, kiểm soát phát hiện ra các hành vi vi phạm. Đại tá Vũ Đỗ Anh Dũng đã trao đổi nhanh với báo chí về vấn đề này:
- Thưa Đại tá, dư luận đang lo ngại, thông tư mới của Bộ Công an cho phép CSGT được mặc thường phục khi làm nhiệm vụ, có thể là "kẽ hở” cho một bộ phận chiến sỹ lợi dụng quyền hạn khi làm nhiệm vụ để “làm luật” với người vi phạm, ông nghĩ sao?
Điểm b, khoản 5, mục V của thông tư này quy định rõ: “Cán bộ chiến sỹ tuần tra kiểm soát, khi phát hiện vi phạm phải lập biên bản vi phạm hành chính”. Như vậy, cán bộ chiến sỹ hoá trang không có thẩm quyền xử phạt.
Để phạt hành vi vi phạm, cán bộ chiến sỹ không mặc thường phục phải phối hợp với lực lượng tuần tra công khai có mặc sắc phục.
Nếu "đòi" phạt, tức là cán bộ chiến sỹ làm sai, khi đó, mong nhân dân sẽ tố giác với đơn vị của chiến sỹ đó. Chúng tôi sẽ xử lý rất nghiêm cán bộ chiến sỹ vi phạm nội quy này của ngành.
Hơn nữa, chiến sỹ hoá trang làm nhiệm vụ kết hợp với lực lượng tuần tra kiểm soát phải được Cục trưởng C26 hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên phê duyệt.
- Vậy việc chiến sỹ mặc thường phục kết hợp với lực lượng công khai (có trang phục) sẽ được thực hiện như thế nào trong đấu tranh chống tội phạm của CSGT?
Khoản 2, mục IV của Thông tư 27 quy định hình thức, quyền hạn, nội dung tuần tra của CSGT Đường bộ nêu rõ: Khi tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hoá trang, được bố trí một bộ phận cán bộ chiến sỹ trong tổ tuần tra kiểm soát hoá trang để nhằm giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm luật trong phạm vi tuyến, địa bàn được phân công.
- Xin ông nói rõ hơn trong những trường hợp, tình huống nào thì được sử dụng lực lượng hoá trang để kết hợp với lực lượng công khai?
Như đã nói, khi tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông phức tạp; phải có phương án kế hoạch được Cục trưởng C26 hoặc giám đốc công an cấp tỉnh trở lên phê duyệt.
Hoặc, khi cần bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công việc, nhưng khi đó, phải có kế hoạch được trưởng phòng CSGT hoặc trưởng công an cấp huyện trở lên đồng ý.
Lực lượng hóa trang được sử dụng để phát hiện các trường hợp đua xe trái phép, hoặc xe mang biển số giả, không mang biển số.
Thực tế, nhiều trường hợp xe không mang biển hay lắp biển giả để đi cướp, trốn tránh sự kiểm soát, khi bị phát hiện thì tìm mọi cách chống trả quyết liệt hoặc bỏ chạy. Lúc này, lực lượng CSGT công khai truy đuổi sẽ gây ra nhiều tình huống nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Rất cần một bộ phận mặc thường phục phát hiện, tạm giữ, sau đó phối hợp với lực lượng công khai.
Bởi thế, quy định CSGT được hoá trang kết hợp với lực lượng công khai làm nhiệm vụ là hết sức cần thiết.
- Xin cám ơn ông!
Theo Vietnamnet.