Chi phí giảm, giá điện không giảmMặc dù qua rà soát chi phí sản xuất kinh doanh của EVN trong 3 tháng 7,8,9 cho thấy thấp hơn kế hoạch, song do gánh nặng lỗ của Tập đoàn nên Bộ Công thương vẫn chưa cho điều chỉnh giá - trong đó bao gồm ý nghĩa giảm giá thành.

Thông tin cho báo chí tại buổi Họp báo thường kỳ Bộ Công thương tháng 10/2012 diễn ra chiều 29/10/2012 ông Đặng Huy Cường , Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, thời gian tới sẽ chưa điều chỉnh giá điện.

Theo ông Cường, sau lần điều chỉnh giá gần nhất (1/7/2012), Bộ Công thương đã tổ chức rà soát chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khâu phát điện các tháng 7,8,9. 

Kết quả rà soát cho thấy chi phí sản xuất điện trong khâu phát điện thực tế có thấp hơn so với kế hoạch. 

Tuy nhiên, do tính đến việc EVN còn lỗ về điện của 2010 cũng như tăng giá than bán cho điện từ ngày 15/9, dự kiến khoảng 850 tỷ đồng trong các tháng cuối năm 2012, do đó Bộ Công Thương đã có ý kiến đối với Tập không điều chỉnh giá điện trong tháng 10 cũng như tháng 11.

Trước đó, cả Bộ Công thương và Cục Điều tiết điện lực đều đã từng đề cập đến việc : Điều chỉnh giá điện có bao gồm cả việc tăng giá lẫn giảm giá.

Còn tại buổi công bố Báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010 diễn ra hồi giữa tháng 7, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái cho biết, khi xem xét hết các khoản thu, khoản chi, KTNN thấy có những khoản thuộc kinh doanh ngành điện có thể giúp giảm chi phí và là cơ sở để giảm giá thành điện. 

Các khoản này bao gồm, thu cho thuê cột điện, thanh lý vật tư hàng hóa đầu tư cho ngành điện, thu công suất phản kháng. Song, theo quy chế quản lý tài chính hiện nay thì các khoản trên không được tính vào hạch toán. Tổng số tiền có thể giảm thu cho EVN lên trên 400 tỷ đồng tương ứng có thể giảm 5 đồng/kWh.

Cũng theo phía Kiểm toán, những khoản thu có lãi từ hoạt động kinh doanh khác của EVN, theo xác nhận của Kiểm toán Nhà nước là trên 2.900 tỷ đồng. Nếu lãi này chia trên kWh điện thì ở mức trên 29 đồng/kWh điện.

Về kết quả kinh doanh điện của EVN, Tổng Giám đốc Tập đoàn, ông Đinh Quang Tri cho biết, năm 2010, lỗ kinh doanh điện của EVN là 8.000 tỷ, năm 2011 tiếp tục lỗ kinh doanh điện 3.000 tỷ đồng.

Riêng khoản chênh lệch tỷ giá của năm 2010 đã là 15.000 tỷ đồng và tính đến 31/12/2011, tổng số chênh lệch tỷ giá đã qua kiểm toán là 26.000 tỷ đồng. Trong 4 năm từ nay đến 2015, đối với chênh lệch tỷ giá, theo ông Tri, mỗi năm EVN phải phân bổ 6.600 tỷ đồng vào giá điện thì mới hết.  

Và như vậy, mặc dù “điều chỉnh” rõ ràng có chiều tăng, chiều giảm, song việc giảm giá điện đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Theo Dantri




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC