petrolimexNhiều ý kiến cho rằng cần chia Petrolimex thành 3 doanh nghiệp độc lập chịu trách nhiệm từng khâu: nhập khẩu, phân phối và bán lẻ.

Petrolimex hiện là doanh nghiệp chiếm đến 55% thị phần và có sức ảnh hưởng khá lớn đến việc quyết định mức giá xăng tăng, giảm trong nước.

Nhìn lại thời gian gần đây thì thấy trong quá trình đề xuất tăng giá xăng, một đầu mối xăng dầu nhỏ, thị phần thấp thường đề xuất tăng giá trước tiên. Doanh nghiệp chiếm thị phần cao như Petrolimex thì rất dè dặt và ít có các tuyên bố về đề xuất tăng giá. Petrolimex luôn là doanh nghiệp kín kẽ nhất về các mức giá đề xuất tăng. Tuy vậy, trước giờ tăng giá, hầu hết các doanh nghiệp đều có động thái nghe ngóng mức giá mà Petrolimex đưa ra và sau đó áp theo mức này.

Còn nhớ, ngay sau khi doanh nghiệp được trao quyền định giá, trong đợt tăng giá ngày 20/7, có rất nhiều doanh nghiệp đề xuất các mức tăng khác nhau. Có doanh nghiệp đề xuất tăng 500 đồng/lít, có doanh nghiệp đề xuất tăng 450 đồng/lít. Sau đó, Petrolimex đề xuất tăng 400 đồng/lít và các doanh nghiệp cùng theo mức này. Mới đây nhất, trong đợt tăng giá ngày 28/8, hầu hết các doanh nghiệp cầm chắc sẽ tăng 700 đồng/lít. Riêng Petrolimex đã “gút” mức tăng là 650 đồng/lít và các doanh nghiệp còn lại sau đó cũng tăng ở mức này.

Việc một doanh nghiệp lớn có ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu như Petrolimex có sức chi phối về giá là điều đương nhiên. Nếu Petrolimex luôn đưa ra mức giá thấp nhất, các đầu mối phải theo thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp cùng “bắt tay” để đưa ra một mức giá bất lợi cho người tiêu dùng thì sao? Hiện Nghị định 84/2009 lại chưa quy định chế tài khi doanh nghiệp tăng giá chưa hợp lý.

Từ đây, nhiều chuyên gia cho rằng cần chia tách Petrolimex để hạn chế vị trí thống lĩnh.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói thẳng: “Chia tách Petrolimex để tránh lùng bùng như bấy lâu nay!”. Theo ông Doanh, việc chia tách Petrolimex sẽ không làm xáo trộn thị trường như nhiều người băn khoăn, bởi hệ thống bán lẻ và cơ sở vật chất của Petrolimex vẫn như thế. Việc chia sẽ tiến hành theo hướng lập ba công ty riêng, có hạch toán riêng và độc lập. Mỗi công ty sẽ chịu trách nhiệm từng khâu như nhập khẩu, phân phối và bán lẻ. “Thực tế, trên thế giới từ trước tới nay khâu nhập khẩu là khâu riêng. Xăng được nhập về ngày nào, giá bao nhiêu sẽ được công khai. Đơn vị nhập về sẽ bán cho đơn vị có bồn xăng (phân phối). Doanh nghiệp phân phối trên cơ sở đó tính thêm chi phí, thuế để ra giá bán lẻ. Khâu bán lẻ vẫn như hiện nay. Quan trọng là tạo thêm sự công khai minh bạch, tránh che giấu các số liệu. Hiện nay chẳng ai biết khi doanh nghiệp nâng giá thì số xăng cũ của là bao nhiêu, nhập ở giá nào”.

Ủng hộ quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: Với sức vóc hiện nay, Petrolimex là doanh nghiệp có lợi thế lớn trong nhập khẩu và phân phối. Nếu tách riêng hai khâu này, đơn vị nhập khẩu có thể cùng lúc bán cho Petrolimex và các doanh nghiệp khác, bước đầu phá thế thống lĩnh, tạo được sự cạnh tranh giữa các đơn vị nhập khẩu trong việc bán xăng dầu cho các đơn vị phân phối.

TS Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh: Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh. Petrolimex đang thống lĩnh nên nhiều người đặt ra vấn đề chia nhỏ Petrolimex bằng cách cổ phần hóa, hoặc có thể chia làm ba khâu như ý kiến của TS Lê Đăng Doanh. Điều này là tất yếu “trước, sau gì cũng phải làm, vấn đề là phải có đề án rõ ràng và khả thi”.

Tuy vậy, TS Nguyễn Ngọc Sơn, ĐH Kinh tế-Luật TP HCM, băn khoăn: Nếu chia Petrolimex thì vẫn có nhiều rủi ro.

“Ví dụ, chúng ta chia ra nhưng chính ba doanh nghiệp đó vẫn thỏa thuận với nhau thì sao? Vấn đề là ở chỗ con người và cơ chế. Mỗi khi doanh nghiệp tăng giá, ta phải xét giá đó có hợp lý hay bất hợp lý. Nếu có gì uẩn khúc thì là do chính cơ chế giám sát doanh nghiệp thống lĩnh, doanh nghiệp độc quyền của chúng ta chưa mạnh chứ không nằm ở việc chia tách doanh nghiệp. Nếu chia ra thì vẫn là bình cũ rượu mới thôi”. Ông Sơn so sánh: Ở thị trường viễn thông, đâu có phải từ Vinaphone hay Mobile mà xuất hiện Viettel. Chúng ta làm được thị trường viễn thông cạnh tranh hơn là vì chúng ta khai sinh được một doanh nghiệp lớn mới, để doanh nghiệp mới đó phát triển.

Theo ông Sơn, việc 12 đầu mối “nhìn ngó” Petrolimex trong việc đưa ra mức giá nghĩa là thị trường không có cạnh tranh về giá. Vì vậy, cơ quan quản lý phải xem xét đây có thể là dạng thỏa thuận về cạnh tranh giá hay không? “Thị trường cần minh bạch thì phải làm rõ vì sao doanh nghiệp đưa ra mức giá đó? Cơ sở nào? Tại sao doanh nghiệp nào cũng tăng mức giá giống nhau…”.

Theo TS Phạm Chi Lan, bước một là tách riêng khâu nhập khẩu ra trước, sau đó với doanh nghiệp phân phối thì có thể cổ phần hóa, như thế sẽ dễ dàng hơn. Khâu phân phối nội địa nên cổ phần hóa ở mức cao. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là ở nhiều lĩnh vực, họ thường tổ chức thành ba đơn vị đủ lớn, ngang nhau, nên họ cạnh tranh rất ngang ngửa.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu doanh nghiệp cổ phần hóa mà công khai minh bạch, mời những nhà đầu tư chiến lược thì họ sẽ tham gia. Nhưng có vẻ như việc cổ phần lại là bán cho các cán bộ, nhân viên của chính doanh nghiệp và bảo đấy là đồng sở hữu. Thực tế, các nhân viên đó chỉ đồng sở hữu về danh nghĩa thôi chứ với một, hai cổ phiếu thì họ có tiếng nói gì đâu? Cho nên đó chỉ là câu chuyện… lãng mạn, một ý tưởng tốt đẹp nhưng không hiện thực!

Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, tôi cho rằng vấn đề này không thể nói lý thuyết được mà phải trên cơ sở thực tế điều hành. Điều hành làm sao để mục tiêu cuối cùng là đảm bảo ổn định thị trường.

Thực ra việc tách khâu nhập khẩu, phân phối, bán lẻ riêng ra làm ba đơn vị sẽ chẳng giúp được gì. Minh bạch hay không là trên hồ sơ và qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Dù có tách khâu nào đi chăng nữa thì giá mua cũng phải qua hải quan, chứng từ. Năm nào chúng tôi cũng có kiểm toán độc lập, các con số đã hiển thị trên hồ sơ.

Theo PLTP.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC