Sáng 17/2/2024, một số người dân Hà Nội đã đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố để tưởng niệm 45 năm Chiến tranh Biên giới chống Trung Quốc.

Ngày 17/2/1979 đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc tại vùng biên giới hai nước, sau khi Trung Quốc đã thực hiện nhiều vụ xâm nhập bằng vũ lực nhỏ lẻ dọc biên giới.

Cuộc chiến diễn ra chưa đầy một tháng, từ 17/2 đến 16/3/1979, nhưng các nhà nghiên cứu và quan sát đánh giá đây là cuộc chiến khốc liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hai quốc gia láng giềng từng là đồng minh trong Chiến tranh Việt Nam.

Trên thực tế, sau ngày 16/3/1979, xung đột còn kéo dài suốt hơn 10 năm, Trung Quốc vẫn duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới và hai bên vẫn không ngừng giao tranh, mãi đến năm 1991 thì mới bình thường hóa quan hệ.

Một điều khác biệt nổi bật là so với các cuộc chiến tranh với Pháp, Nhật và Mỹ trước đây, Chiến tranh biên giới 1979 cùng với cuộc hải chiến Gạc Ma 14/3/1988 ít được chính quyền Việt Nam nhắc đến.

Tình cảm người dân hướng về các liệt sĩ của cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc cũng "bị chính quyền giám sát chặt chẽ", theo lời một người dân ở Hà Nội nói với BBC sáng nay 17/2.

Người này nói thêm rằng khi đến nghĩa trang Hà Nội ở đường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm vào buổi sáng cùng ngày thì có một số nhân viên an ninh đã đứng canh sẵn.

1 Chien Tranh Bien Gioi Viet Trung Van Con Nhung Khoang Lang Nhung E De

Một số người dân Hà Nội đến dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố sáng 17/2/2024

‘Bớt căng thẳng từ hai phía’

Bà Đặng Bích Phượng là một trong những người có mặt tại nghĩa trang liệt sỹ Hà Nội nhận xét với BBC News Tiếng Việt rằng khoảng hai, ba năm trở lại đây, chính quyền không còn làm khó khi người dân đi thắp hương, tưởng niệm nữa và điều này là xuất phát “từ hai phía".

“Từ phía chính quyền, họ giảm căng thẳng là vì việc biểu tình, thắp hương mang tính phong trào rầm rộ như ngày xưa không còn nữa. Trước đây có đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi, còn bây giờ chỉ có mấy ông bà về hưu, không bị o ép làm ăn thì mới đi viếng.

“Khi phong trào mạnh và lan rộng thì chính quyền sẵn sàng dùng biện pháp thô bạo để trấn áp. Trước đây, người dân căng băng rôn, biểu ngữ và hô hào như 'Đả đảo Trung Quốc xâm lược' thì bên an ninh can thiệp. Còn giờ thay đổi rồi, người dân không làm rầm rộ nữa và chính quyền cũng không làm căng với mình,” bà Phượng nhận xét.

Nhưng bà cũng gửi cho BBC những tấm hình ghi lại việc một số thanh niên mặc thường phục, cầm máy quay dí sát vào mặt những người dân đi thắp hương tại nghĩa trang.

“An ninh bây giờ không có lịch sự nữa, họ ngang nhiên và thách thức, đe dọa nhưng tôi nghĩ họ làm không đúng đối tượng. Vì đi viếng toàn là những ông bà già, còn có cả cựu chiến binh.”

2 Chien Tranh Bien Gioi Viet Trung Van Con Nhung Khoang Lang Nhung E De

Một số thanh niên mặc thường phục, cầm máy quay dí sát vào mặt những người dân đi thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hà Nội

So sánh với nhiều năm trước, bà Phượng nhận xét “có sự thay đổi" vì bà kể rằng có một dạo, chính quyền cho lực lượng dân phòng ra gây sự và chửi bới người đi thắp hương, gây phản cảm và phần nào “bôi bác chế độ". Nhưng năm nay bà Phượng cùng bạn bè tới nghĩa trang thì không thấy lực lượng này.

“Chúng tôi chủ trương là năm nào nhà nước không thực hiện việc tưởng niệm, nhắc đến thì người dân chúng tôi duy trì để chính mình và con cháu ghi nhớ ngày này. Còn nếu họ làm thì mình hoan nghênh. Bất cứ nước nào thì cũng cần ôn lại lịch sử, để không quên quá khứ chứ không phải khơi dậy sự hận thù,” bà Phượng bộc bạch với BBC.

Cuộc chiến thường bị né tránh

Hiện Việt Nam đã gia nhập “Cộng đồng chia sẻ tương lai" với Trung Quốc sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 12/2023.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn được coi là mối nguy an ninh lớn nhất đối với Việt Nam, từ các sự kiện trong quá khứ như Hải chiến Hoàng Sa (tháng 1/1974), Chiến tranh biên giới (từ tháng 2/1979) và Gạc Ma (tháng 3/1988) tới những yêu sách chủ quyền và các hoạt động thực địa gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc ngày nay.

Một số ý kiến cho rằng, từ sau Hội nghị Thành Đô vào năm 1990, Chiến tranh Biên giới dần “rơi vào quên lãng" một cách có chủ đích, rằng phía Việt Nam đã “hoàn toàn cho qua vấn đề” sau khi nghe Giang Trạch Dân nói trong diễn văn rằng quan hệ hai nước từ nay “hãy gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”.

Và Hà Nội đã trung thành với cam kết của mình, giữ quan hệ hòa hoãn với Bắc Kinh bằng cách không tưởng niệm rầm rộ trong những ngày như 17/2 hoặc 14/3.

Những năm gần đây, báo chí Việt Nam nhắc đến cuộc chiến biên giới nhiều hơn, với tên gọi “Trung Quốc” được đề cập, nhưng vẫn theo tinh thần chỉ đạo là “tránh làm căng thẳng quan hệ hai nước”. Năm nay cũng không ngoại lệ.

3 Chien Tranh Bien Gioi Viet Trung Van Con Nhung Khoang Lang Nhung E De

'Cộng đồng chung vận mệnh' được cho sẽ mối bận tâm lớn của ông Tập Cận Bình khi thăm Việt Nam

Vào dịp kỷ niệm 45 năm cuộc chiến biên giới, thời điểm được coi là một cột mốc quan trọng thì các báo trực thuộc trung ương như báo Nhân dânQuân đội nhân dân "quên" sự kiện này.

Đài VTV trong chuyên mục V-Zine có ấn phẩm đặc biệt với nhan đề Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc - Không thể lãng quên nhưng bài viết gần 2.000 chữ lại "quên" đề cập tới “Trung Quốc".

Các báo đoàn hội, báo ngành, báo địa phương như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Vietnamnet, báo An GiangYên Bái và một số tờ báo điện tử… đồng loạt lên bài về chiến tranh biên giới, khai thác các câu chuyện của cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ, hoặc phản ánh những đổi thay tại các tỉnh biên giới nơi gần nửa thế kỷ trước là chiến trường khốc liệt trong cuộc chiến giữa hai nước "núi liền núi, sông liền sông".

Báo điện tử VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Sự kiện không mong muốn này như một vết cắt lịch sử nhưng không vì thế mà trở thành rào cản ngăn cách hai nước láng giềng cùng chung định hướng xã hội chủ nghĩa xích lại gần nhau hơn”.

Về phía truyền thông Trung Quốc, các cơ quan trung ương như Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã... cũng hầu như "quên mất" cuộc chiến. Báo chí Trung Quốc cũng không đưa tin về hoạt động của lãnh đạo nước này liên quan đến dịp 45 năm cuộc chiến tranh biên giới.

Về phía chính giới Việt Nam, một số lãnh đạo cấp cao từng có các hoạt động tưởng niệm liệt sĩ của Chiến tranh biên giới Việt – Trung, nhưng thông thường các hoạt động này ít được truyền thông, hoặc thường tránh ngày kỷ niệm 17/2.

4 Chien Tranh Bien Gioi Viet Trung Van Con Nhung Khoang Lang Nhung E De

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang vào tháng 5/2023

Đơn cử, hồi tháng 5/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, các cơ quan truyền thông nhà nước như báo điện tử Chính phủ, Nhân dân, VOV, Tuổi Trẻ... đều không hề đề cập tới tên Trung Quốc trong suốt bài tường thuật lễ dâng hương tưởng niệm của người đứng đầu chính phủ.

Và hôm nay, không có hoạt động hay thông điệp nào của ông Phạm Minh Chính liên quan đến kỷ niệm 45 năm cuộc chiến được báo chí đưa tin.

Trước đây, vào ngày 14/7/2022, ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn đương chức chủ tịch nước đã gặp mặt các đại biểu Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên-Hà Tuyên ngay tại Phủ Chủ tịch nhân kỳ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Các báo như Quân đội Nhân dân, Lao động, báo Chính phủ đưa tin về sự kiện nhưng không nhắc đến tên Trung Quốc.

Vào tháng 7/2014, cũng tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước lúc đó là ông Trương Tấn Sang đã tiếp 80 cựu chiến binh Sư đoàn 356, đơn vị được đánh giá là đã có nhiều thành tích bảo vệ biên giới phía Bắc tại các cao điểm thuộc Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từ năm 1984 đến 1988.

Ông Trương Tấn Sang cũng được cho là nhân vật đầu tiên trong 'Tứ trụ' thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới 1979 vào ngày 17/2/2016, gần một tháng sau Đại hội XII, khi ông chuẩn bị nghỉ hưu vào tháng 4 cùng năm.

Ông Võ Văn Thưởng khi còn làm Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng từng tới thắp nhang tưởng nhớ các liệt sĩ ở biên giới phía Bắc. Ông đã không làm điều đó vào dịp kỷ niệm 45 năm cuộc chiến khi giữ chức Chủ tịch nước.

Một số nhà quan sát cho rằng có vẻ đã có một thỏa thuận hoặc sự ngầm hiểu giữa hai phía về việc tránh khơi gợi những ân oán cũ.

Nguồn: BBC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC