Một số doanh nghiệp đến cuối năm lại cho hàng loạt nhân viên nghỉ việc, sau đó lại tuyển dụng lớp khác thay thế.
Chị Hoa, nhân viên hành chính một công ty phần mềm tại Thanh Xuân ký hợp đồng một năm từ ngày 1/1 đến 31/12. Năm ngoái thì chị mới vào công ty nên không được thưởng Tết, chỉ được ứng trước một tháng lương.
"Mình biết thời buổi khó khăn nên cũng không định chuyển việc. Tình hình làm ăn của công ty năm nay cũng tạm nên mình hy vọng cuối năm ít nhiều sẽ có một khoản thưởng để ăn Tết", chị Hoa cho hay.
Tuy nhiên, cách đây vài ngày, lãnh đạo công ty ra quyết định từ nay đến cuối tháng sẽ thanh lý hợp đồng với chị Hoa và nhiều nhân viên khác để cắt giảm nhân sự xuống còn một nửa.
"Hỏi ra mình mới biết, lãnh đạo công ty năm ngoái cũng tiến hành sa thải nhân sự dịp trước Tết để né thưởng. Những người được giữ lại chủ yếu là thân cận. Đến tháng giáp Tết, họ lại tuyển một số người để bù vào chỗ vừa cho nghỉ, nhưng những nhân viên này mới đi làm nên không được thưởng, chỉ hưởng lương thử việc bằng khoảng 50% bình thường. Hơn nữa, để qua giai đoạn thử việc, họ lại phải làm khá vất vả, thậm chí tháng Tết còn phải làm ngoài giờ", chị Hoa cho biết.
Anh Hải, giám đốc một công ty cũng chia sẻ, ở nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo tránh gánh nặng thưởng bằng cách sa thải nhân viên trước dịp Tết.
"Những vị trí sa thải thường là dễ tìm người thay thế, để hoạt động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Hiện nay, tuyển người cũng không quá khó khăn nên họ chẳng phải băn khoăn quá nhiều khi cho nhân viên nghỉ", anh Hải lý giải.
Không đến nỗi mất việc nhưng nhiều người lao động cũng không hy vọng năm nay sẽ được nhận thưởng Tết. Đang làm việc cho một cơ quan nhà nước dưới dạng hợp đồng, chị Xuân (Hoàng Mai) cũng cho biết, từ đầu tháng 11, sếp đã tuyên bố cắt hết thưởng cả Tết âm và dương.
"Không thuộc dạng biên chế nhưng mình chưa chuyển công ty vì cũng sắp đến Tết rồi, chờ có thưởng rồi mới tính tiếp. Ai ngờ năm nay khó khăn đến vậy. Năm ngoái ít ra cũng được một tháng lương cơ bản", chị Xuân than thở.
Cùng với tuyên bố cắt thưởng Tết, lãnh đạo công ty còn cho biết, đầu năm tới sẽ thanh lý hợp đồng một số nhân viên vì không còn khoản thu để trả lương. "Do đó, ai cũng lo ngay ngáy. Dù công việc này lương không cao nhưng để tìm việc mới hiện nay cũng chẳng dễ dàng", chị Xuân cho biết.
Chị Hoài (Định Công, Thanh Xuân) cũng không mong được lĩnh tiền thưởng Tết vì đến nay mới được công ty trả hết lương tháng 8. Đến Tết chị chỉ mong công ty thanh toán hết tiền lương chứ cũng không trông chờ thưởng. Năm ngoái, công ty chị trả lương đều đặn và tuy không nhiều nhưng đến Tết âm vẫn được thưởng nửa tháng lương. Đến giữa năm, tình hình tài chính của công ty khó khăn nên tiền thuê văn phòng cũng phải trả nhỏ giọt theo tháng (trước đây là theo quý). Rồi tệ hơn là mấy tháng nay, công ty chậm lương do chưa thu được tiền từ đối tác.
Ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động-Tiền lương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hiện trong luật không quy định về thời điểm doanh nghiệp được phép sa thải người lao động. "Doanh nghiệp làm ăn khó khăn nên có cắt giảm nhân sự cũng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu cho nhân viên nghỉ việc vào sát Tết thì rõ ràng rất thiệt thòi cho người lao động", ông Thanh cho hay.
Đại diện Sở Lao động Thương binh Xã hội TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đều dự đoán, năm nay, tình hình làm ăn của doanh nghiệp không khả quan hơn năm ngoái. Do đó, tình hình thưởng cùng lắm chỉ bằng Tết 2013.
Lãnh đạo các Sở cho biết đang đề nghị doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo về tình hình lương và thưởng Tết cho lao động. Đến khoảng 20/12, đơn vị sẽ tổng hợp và báo cáo lên Bộ.
Theo VNE.