"Chính phủ cần có thông điệp rõ ràng về việc làm"Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người được nhiều đại biểu QH tham vấn về kinh tế, cho rằng Chính phủ cần chuyển thông điệp rõ ràng về cam kết việc làm cho người lao động. QH phải bám chặt vào những vấn đề có tính nguyên tắc để có yêu cầu, chất vấn và giám sát Chính phủ.

Tăng trưởng nhờ lĩnh vực nào?

Thưa bà, QH cần chú ý điều gì khi xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, bội chi, xuất khẩu... mà Chính phủ vừa trình xin ý kiến?

Trước hết, tôi mong đi cùng với chỉ tiêu tăng trưởng nên đưa ra và Quốc hội nên yêu cầu rõ về mục tiêu việc làm.

Trên thế giới, một mục tiêu quan trọng mà tất cả các Chính phủ phải trình để nghị viện thông qua gói kích cầu chính là việc tạo ra bao nhiêu việc làm. Ví dụ, ở Mỹ, để Nghị viện bỏ ra 871 tỷ USD thì Chính phủ phải cam kết tạo ra 2,5 triệu việc làm mới.

Tăng trưởng có thể chấp nhận điều chỉnh giảm xuống 5% hoặc thấp hơn, bội chi có thể chấp nhận ở mức 8% nhưng đổi lại, phải với số công việc tạo ra như thế nào.

Chính phủ cần có một thông điệp rõ ràng. Không thể để tình trạng Chính phủ không có thông điệp, từ đó không có kế hoạch, biện pháp cụ thể nào, đảm bảo giảm thiểu tác động nặng nề liên quan đến việc làm cho người lao động.

Hai là, ngay việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng xuống còn 5%, Chính phủ cũng cần làm rõ và QH cũng cần quan tâm hơn đến từng chỉ tiêu cụ thể.

Trong điều kiện Việt Nam, thông thường, xuất khẩu sẽ tăng gấp 2 lần mức tăng GDP. Chính mức tăng xuất khẩu lớn đảm bảo cho mức tăng GDP đó. Năm 2009, chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu tăng xuất khẩu chỉ còn 3% thay vì 13% như kế hoạch ban đầu, vậy thì Việt Nam tăng trưởng nhờ vào lĩnh vực nào?

Nhìn sang các lĩnh vực như công nghiệp, thì trong quý I cũng chỉ tăng 2,4%. Xuất khẩu trong quý I cũng tăng rất thấp, mặc dù đã cộng cả 2,4 tỷ USD xuất khẩu vàng.

Trong giới nghiên cứu vẫn băn khoăn, không biết 3,1% tăng trưởng của quý I/2009 là từ nguồn nào? Cái gì tạo ra động lực cho 3,1% tăng trưởng đó?

Và với mục tiêu tăng trưởng 5% cho cả năm, lĩnh vực nào sẽ là căn cứ để đưa ra con số đó?

Lĩnh vực xây dựng có thể có bước phát triển nhất định, vì nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng vẫn nhiều và Chính phủ cũng quan tâm đầu tư. Nhưng công nghiệp, xuất khẩu rất khó, vì phụ thuộc vào đầu ra.

Phát triển kinh tế thực

Theo bà, Việt Nam cần chú ý gì nếu muốn đạt mức tăng trưởng 5%?

Chính phủ, QH cần quan tâm phát triển kinh tế thực: các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất.

Xuất khẩu cũng cần chú ý để không giảm quá mạnh và chuyển một phần vào thị trường nội địa - chỗ dựa đầu ra, bù đắp xuất khẩu. Nhiều DN lo lắng khi thị trường nội địa bị hàng nước ngoài tràn vào.

Thiếu tất cả các cấu trúc cơ bản này, Việt Nam khó đảm bảo tăng 5% GDP, hoặc nếu không sẽ tăng nhờ đầu tư của Nhà nước vào đầu tư hạ tầng, các dự án, công trình lớn.

Đánh giá sòng phẳng

Bà đánh giá như thế nào về các gói kích cầu của Chính phủ dự kiến và đang tung ra? Có điều gì khiến bà quan ngại?

Chúng ta bố trí vốn lớn nhưng vẫn chưa có hướng dẫn rõ phân bổ như thế nào, tiêu chí, điều kiện lựa chọn ưu tiên. Khi ưu đãi có mà thiếu tiêu chí rõ, thì là đất cho lạm dụng ưu đãi nhờ vào xin cho. Ưu đãi sẽ rơi vào những DN, lĩnh vực không đáng được hưởng.

20090525 11 40 44 0
Việt Nam phải tập trung phát triển kinh tế thực. Ảnh: Ca Hảo
Ngay gói kích cầu 17.000 tỷ đồng đầu tiên, tới giờ vẫn chưa báo cáo đầy đủ từ phía ngân hàng rằng tiền đi đâu, vào lĩnh vực nào, có đúng lĩnh vực ưu tiên không. Các ngân hàng báo cáo đã giải ngân 300 ngàn tỉ nhưng mức tăng tín dụng không cao, tăng cung tiền của mấy tháng đầu năm thấp.

Hiện chỉ thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc một chút, nhưng thị trường này có phải là mục tiêu ưu tiên của kích cầu?

Làm thế nào để hạn chế việc lạm dụng, thưa bà?

Học các nước: thực sự minh bạch. Kích cầu phải dựa vào tính toán cụ thể, đánh giá sòng phẳng tình hình hiện tại, đâu là khó khăn cần hỗ trợ, đâu là khu vực kém hiệu quả kéo dài, từ đó chấp nhận những cái chết tự nhiên phải có qua sàng lọc thị trường.

Ở các nước, kích cầu chỉ là Nhà nước ứng ra cho DN vay có trả và chịu lãi suất. Ở Việt Nam, dường như kích cầu là tiền Nhà nước “cho không” DN, do đó, tiêu chí, điều kiện cần phải rất rõ.

Chính phủ phải tự giám sát trước

Còn cơ chế giám sát cụ thể như thế nào, thưa bà?

Chính phủ tự mình giám sát trước và Chính phủ hoàn toàn có thể làm được qua hệ thống ngân hàng. Chính phủ có quyền yêu cầu NHNN buộc các ngân hàng báo cáo rõ tiền đi vào đâu.

Ngân hàng chắc chắn biết cụ thể đến từng DN, cho DN nào vay, vào việc gì. Các ngân hàng không thể nói là không có thông tin. Chính phủ cũng cần đưa ra thời hạn công bố thông tin này. Khi ngân hàng giải ngân không đúng, sẽ có biện pháp xử lý ngay.

Cần chỉ rõ bao nhiêu phần trăm là DN vừa và nhỏ đã được cứu, cho các ngành nào?

Nếu được, sau đó, làm rõ trong các DN được tiếp cận vốn, họ đã giữ được kinh doanh ra sao, giữ được bao nhiêu việc làm, tuyển dụng mới bao nhiêu.

Vai trò giám sát của QH thì sao?

Theo tôi, trong lúc khó khăn đột xuất, có thể chấp nhận việc Chính phủ không chờ họp QH để quyết định dùng tiền ngân sách kích cầu, nhưng điều đó không có nghĩa QH không có trách nhiệm và quyền giám sát những việc Chính phủ đã làm hoặc đã quyết định.

Là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho dân, QH có thể dùng kênh khác để giúp nắm rõ tình hình thực tế. Ví dụ, các đoàn QH địa phương có thể yêu cầu chính quyền địa phương báo cáo vấn đề kinh tế, việc làm ở địa phương. Nhờ đó, QH thấy được bức tranh chung, và cái khó của từng cơ sở, có giải pháp hỗ trợ.

Nói cách khác, trong khó khăn, mỗi cơ quan, từ trung ương tới địa phương, từ hành pháp tới lập pháp phải chuyên nghiệp hơn, phù hợp với lĩnh vực và vai trò của mình hơn.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC