Người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang rộ lên phong trào săn tìm ốc bươu vàng (OBV) và trứng của loài này để bán cho thương lái Trung Quốc mà không biết họ dùng để làm gì.
Nhiều gia đình thậm chí còn để mặc OBV ăn lúa nhằm nuôi chúng bán kiếm lời. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia đã vào cuộc cảnh báo.
Cho ốc bươu vàng ăn lúa
Tại Hậu Giang, hoạt động, mua bán OBV diễn ra nhộn nhịp. Trên đường vào thị trấn Long Mỹ (huyện Long Mỹ), nhiều nhà dân treo bảng thu mua và chế biến ốc bươu vàng để bán cho thương lái.
Một chủ vựa cho biết, gia đình anh chỉ thu gom, và đến đêm là có người đưa xe tải từ TP.Hồ Chí Minh xuống trả tiền, bốc hàng. Theo lời nhiều chủ vựa, những người đi thu gom ban đầu là thương lái Trung Quốc, còn họ vận chuyển đi đâu, làm gì thì không ai biết…
Người chủ này còn cho biết thêm, liên tục những ngày gần đây, bà con vùng nông thôn tỉnh Hậu Giang rủ nhau đi bắt ốc bươu vàng bán cho thương lái Trung Quốc. Khó có thể ngờ rằng loại vật nằm trong danh sách chuyên phá hoại mùa màng như ốc bươu vàng lại có ngày “lên ngôi” với giá bán đến 18.000 đồng/kg.
Hoạt động thu mua, chế biến ốc bươu vàng ở một cơ sở tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. |
Anh Phan Văn Trị - chủ vựa cá Mỹ Châu tại ấp 4, thị trấn Long Mỹ cho biết: “Một ngày có trên cả trăm người đến bán ốc, thường ốc được bắt vào tối, buổi sáng họ tách ốc, nên tới chiều mới đem ra bán. Trong năm thì từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch là buôn bán xôm tụ nhất. Bởi thời gian này, đồng ruộng chỉ còn rạ là lúc con ốc bươu vàng sinh sôi nhiều nhất. Vào những ngày cao điểm, nơi tôi thu mua lên đến 5-6 tấn…”.
Anh Đ.P.H, một thương lái cấp 2 chuyên thu mua OBV ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng để bán lại cho các vựa ở Hậu Giang, cho biết: “Gần đây, thịt OBV có giá lắm. Tôi nghe nói xuất khẩu ra nước ngoài nhưng nói thiệt thịt của nó luộc sơ qua thì làm sao bảo đảm vệ sinh nhưng các vựa vẫn mua hết”.
Ông Sáu Lồng, một hộ chuyên nuôi vịt thả đồng, cho biết: “Trước đây, sau khi thu hoạch lúa thì chủ ruộng nào cũng đồng ý cho thả vịt vào bắt OBV để vụ sau hạn chế nạn OBV cắn phá lúa non. Thế nhưng gần đây, không ít người ngăn cản khiến ốc sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt. Thậm chí, nhiều hộ còn mua OBV về thả nuôi trong ao để chúng sinh sản nhiều hơn".
Theo tìm hiểu của PV, sau khi bắt OBV, người dân đem luộc chín sơ qua rồi bảo quản bằng nước đá trong thời gian 48 giờ. Sau đó, lượng ốc này được các chủ vựa chở lên TP HCM giao cho các thương lái Trung Quốc.
Họ khuyến khích cung cấp càng nhiều càng tốt nên các chủ vựa ai cũng muốn làm “đẹp lòng” bằng cách xuất hàng liên tục. Còn việc các thương lái Trung Quốc đem OBV tiêu thụ ở đâu thì các chủ vựa không hề hay biết.
Sự nguy hiểm khó lường
Trả lời báo chí, một cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang nói: “Bà con kiếm thêm thu nhập từ việc bắt OBV để bán cho các vựa thì chúng tôi đã biết. Tuy nhiên, các chủ vựa bán cho ai thì địa phương không biết”.
Ông Trần Tuấn An - Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cũng cho biết: “Nói ra thì chính quyền không ủng hộ việc bắt và bán - mua ốc này, vì ốc được thương lái Trung Quốc thu mua không biết dùng để làm gì.
Nhưng vì bắt ốc giúp người dân có thêm thu nhập nên đành phải cho họ làm. Chúng tôi cũng kiểm tra nghiêm ngặt để tránh tình trạng tự nuôi ốc bươu vàng vì việc này rất nguy hiểm”.
Trong khi đó, một chuyên gia ở Trường ĐH Cần Thơ khẳng định: "Việc bắt ốc đã mang lại nguồn thu cho bà con và góp phần tiêu diệt loài ốc phá hoại mùa màng này là tốt.
Tuy nhiên, nếu quản lý không khéo thì đây sẽ là nguồn tai họa lớn. Nguy hiểm nhất là thời điểm người dân gom ốc sống về lưu chứa trong nhà chờ sơ chế. Thời gian này con ốc rất dễ sinh sôi nảy nở và đẻ trứng. Nếu quản không được thì hậu quả khó lường.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng cần làm rõ họ thu mua để làm gì?”.
Tổng hợp DV, NLĐ/Đất Việt.