Với những thiệt hại to lớn về người và của do trận "đại hồng thủy" gây ra trong mấy ngày qua tại Hà Nội, cần bình tĩnh phân tích tình hình để tìm ra giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả và lâu dài các hiện tượng thiên tai có xu hướng ngày càng dữ dội trong bối cảnh trên Trái đất đang diễn ra những biến đổi khí hậu bất thường.
1. Chữ Tầm
Hẳn ai cũng còn nhớ trong kiệt tác văn học "Những người khốn khổ" của đại văn hào Pháp Victor Hugo có nhiều đoạn mô tả cuộc sống muôn vẻ bên trong hệ thống cống ngầm kiên cố và chằng chịt nằm bên dưới thành Paris. Nơi đó người ta không những dành đủ không gian cho việc tiêu úng mỗi khi mưa xuống hay tuyết tan và xử lý nước thải sinh hoạt của thành phố mà còn là mái nhà cho những kẻ vô gia cư, là nơi trú ngụ của lũ chuột và thế giới tội phạm.
Trên thế giới, các thành phố lớn tiêu biểu như London, New York hay Berlin ngay từ thế kỷ XVIII đã được thiết kế và xây dựng theo cách đó. Phương Tây đã hoàn tất trước chúng ta khoảng hai thế kỷ cuộc cách mạng công nghiệp nên tầm nhìn của họ về quy hoạch và quản lý đô thị hẳn cũng vượt xa một khoảng cách tương tự.
Tuy nhiên vào những năm đầu thế kỷ XX khi cho xây dựng những khu mới ở Hà Nội và Sài Gòn người Pháp cũng chỉ dành cho nơi đây một mức độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật rất khiêm tốn về kỹ thuật và quy mô, chủ yếu là để phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.
Như vậy Hà Nội trước đây về cơ bản chỉ được phát triển trên một cơ sở hạ tầng lạc hậu với trình độ quản lý đô thị ở tầm thấp của thế giới, mặc dù người Pháp cũng để lại một số công trình có giá trị về kiến trúc và nghệ thuật.
Những năm sau này, Hà Nội liên tục được mở rộng trên bề mặt nhưng chưa được quan tâm củng cố theo chiều sâu như các đô thị văn minh khác, nhiều ao hồ là nơi điều hòa nước mưa hình thành tự nhiên đã phải nhường chỗ cho các công trình xây dựng.
Hệ thống thoát nước từ thời Pháp đã xuống cấp chưa được cải tạo và hiện đại hóa một cách bài bản theo xu hướng của thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu dân số đã tăng cao gấp nhiều lần, và do vậy hầu như không có một công trình thoát nước ngầm nào có tầm cỡ của một Thủ đô hơn 3,5 triệu dân được xây dựng, ngoài việc cống hóa dòng sông Tô Lịch đoạn chảy qua nội thành và một vài dự án cấp thoát nước dùng vốn vay ODA đang được thực hiện chậm chạp.
Ý thức của người dân về lối sống văn minh đô thị sau nhiều năm vẫn chưa được nâng cao thậm chí có chiều hướng ngược lại là "nông thôn hóa thành thị". Lối suy nghĩ tiểu nông, tư duy nhiệm kỳ và phong cách quản lý xã hội trì trệ không quy rõ trách nhiệm và quyền lợi kéo dài trong suốt mấy chục năm quan liêu bao cấp đã níu kéo tầm tư tưởng về phát triển đô thị hiện đại.
Điều này đã thể hiện ở phương pháp quy hoạch đô thị chắp vá, lộn xộn và chồng chéo, chứa đựng nhiều mâu thuẫn giữa kế hoạch định hướng và tính khả thi, thiếu một tầm nhìn xa bao quát cả hệ thống bởi vậy luôn bị động trước sự phát triển khách quan và lúng túng trong cách điều hành kiểu”chữa cháy”.
Ví dụ như khi phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu có thể xảy ra thường xuyên mưa to, bão lớn thì Hà Nội vẫn “bình chân như vại” với mức tiêu thoát nước đô thị hiện nay là khoảng 4-5 lít/giây/ha, trong khi đó con số này ít nhất phải đạt mức 12- 21 lít/giây/ha. (trích bài phỏng vấn Ông Trần Ái Quốc, Cục Thủy lợi, Bộ NN- PTNT trên VietNamNet ngày 3/11/2008).
Và phải chăng do cách phân cấp các hồ điều hòa của thành phố về cho các Quận, Huyện quản lý để kết hợp cho đấu thầu nuôi cá mà vừa qua việc chủ động rút nước hồ đi nhằm giảm tốc độ ngập ở các trạm bơm đã bị ảnh hưởng?
Không hiểu với tầm nhìn xa tới đâu trong thế kỷ XXI của các cơ quan có trách nhiệm mà khu đô thị hiện đại nhất – niềm tự hào của Thủ đô mới được xây dựng bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình sau đợt mưa 400mm vừa qua đã biến thành biển nước?!. Tóm lại chúng ta phải gấp rút nâng tầm cả về mặt kỹ thuật và trình độ quy hoạch, thi công công trình ngầm lẫn dự báo và quản lý đô thị hiện đại.
2. Chữ Tài
Người ta thường nói "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" cũng chẳng sai chút nào. Muốn có những công trình tiêu thoát nước như những đô thị hiện đại trên thế giới thì phải có tài chính đầy đủ. Trong hoàn cảnh hiện nay để đạt được điều này có lẽ chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, hạn chế đầu tư dàn trải, tạo lòng tin trong nhân dân để huy động tiền nhàn rỗi trong nước, đồng thời tranh thủ những dòng vốn và công nghệ quốc tế.
Nếu chỉ tính sơ thiệt hại đã lên tới hơn 3000 tỷ VNĐ (tương đương 180 triệu USD!) và chắc sẽ còn cao hơn thế trong có mấy ngày lụt tại Thủ đô và số người thiệt mạng hiện là trên 20 thì số tiền đầu tư để xây dựng một hệ thống thoát nước "một lần để dùng cho nhiều năm sau" dẫu có cao hơn con số tổn thất đó nhiều lần thì vẫn được coi là mang lại hiệu quả cho xã hội.
Có tài chính rồi mà không có cơ chế thực sự thu hút và trọng dụng được nhân tài kỹ thuật và nhân tài quản lý thì chẳng thể nào thực hiện được thành công bất cứ công trình nào và không thể tạo ra những đột phá nâng tầm tư duy. Thật đáng suy nghĩ khi nhiều KTS và KS xây dựng có tài thì luôn than thở, thậm chí bức xúc về những bất cập và méo mó trong nghề khi bị những cơ chế rất vô lý hiện nay chi phối. Nhưng vấn đề còn ở chữ Tâm nữa…
3. …Và chữ Tâm
Chữ Tâm ở đây có mấy cách nhìn nhận và đánh giá. Người đời bao giờ cũng liên tưởng ngay đến ý nghĩa tâm huyết tức là sự tận tâm, công tâm vì việc chung. Không có người tâm huyết thì bất kỳ nguồn tài lực nào cũng khó có thể phát huy được tác dụng, thậm chí nó còn kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài.
Cán bộ dự án ODA, các PMU mà xà xẻo tiền công quỹ thì chất lượng và quy mô công trình chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và người dân ngoài việc nhãn tiền là không được sử dụng đúng thời gian, đúng chất lượng công trình tiêu úng sẽ vẫn tiếp tục phải vật lộn với nước ngập mỗi mùa mưa đến, mà con cháu của họ sau này đâu có tránh được bổn phận phải đóng góp để trả nợ các khoản vay ODA ngày hôm nay.
Trong tình thế khẩn cấp khi lũ lụt ập đến rất cần cái tâm thiện nguyện xả thân giúp người, lá lành đùm lá rách vốn sẵn có trong truyền thống của người Việt Nam ta. Xã hội cần xử lý nghiêm khắc hơn những kẻ vô lương tâm đã lấy trộm nắp cống gây ra những cái bẫy trên đường khi ngập nước, cướp đi tính mạng những người xấu số qua đường và lên án những kẻ nhẫn tâm, vô cảm với nỗi đau nhân gian, lợi dụng lụt lội để kiếm chác, đục nước béo cò.
Thiên tai là cái khó ai có thể lường trước. Giàu có và hiện đại như nước Mỹ vẫn bị lúng túng trước cơn bão Catrina, động đất ở Tứ xuyên,Trung Quốc gần đây đã gây bao tổn thất không thể ngờ tới. Rất nhiều sức mạnh trong thiên nhiên còn là điều bí ẩn đối với khoa học và trong ý nghĩa đó nên chăng chúng ta cần quan tâm hơn tới một chữ tâm nữa không kém phần quan trọng đó là tâm linh.
Thủ đô ta từ thưở khai sinh đã mang tên Thăng Long thể hiện mạnh mẽ hào khí đi lên và rất phù hợp với hình thể đất nước tựa một con Rồng đang vươn ra Biển Đông mà Thủ đô lại nằm đúng ở vị trí mắt Rồng.
Nay tỉnh Hà Tây với núi Tản Viên nơi thờ Sơn Tinh lại có Đền Thượng là huyệt đạo vô cùng quan trọng trong cái thế chung của long mạch đất nước đã được sáp nhập về dưới cái tên chung là Hà Nội (trong sông) thì e rằng câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt ta sẽ có kết cục ngược lại với những hậu quả khôn lường của tình trạng Âm thịnh mà Dương suy: Thủy Tinh sẽ khống chế Sơn Tinh mỗi mùa mưa đến!
Nhưng nếu Tản Viên nằm trên đất Thăng Long thì sẽ tạo ra một sự hòa hợp rất tốt theo quan niệm của Ngũ hành vì núi thuộc Thổ, Long tức là Thìn cũng thuộc Thổ, mà tên gọi Việt Nam thuộc Hỏa tương sinh với Thổ nên chắc chắn sẽ tạo nên một tình thế phát triển mạnh mẽ và bền vững dài lâu.
- TS. Phạm Gia Minh