Phạm Thanh Hải tại một buổi thuyết trình.
VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Phạm Thanh Hải (SN 1966, ở Hà Đông, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 174 BLHS năm 2015 với khung hình phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc chung thân.
Theo tài liệu truy tố, Phạm Thanh Hải có trình độ chuyên môn Tiến sĩ Vật lý, giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Thương mại đầu tư và Phát triển công nghệ Quốc tế (IDT). Đây là Cty hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục, tư vấn quản lý, bán lẻ, tổ chức hội thảo…
Do IDT hoạt động không hiệu quả nên để có tiền chi tiêu, Hải bắt đầu tổ chức hoạt động huy động vốn cho cá nhân từ năm 2008. Tuy huy động vốn cho cá nhân nhưng tất cả các hoạt động giới thiệu, quảng bá nhằm thu hút đầu tư, đối tượng đều lấy danh nghĩa của Cty IDT.
Phạm Thanh Hải tự giới thiệu, quảng bá tới nhiều người mình là tiến sĩ, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh tại Liên Xô, IDT đang triển khai các dự án có lãi suất cao, làm giàu từ cây tỷ đô…
Để chứng minh tính khả thi của các dự án, Hải đưa ra các hợp đồng với lãi suất siêu “khủng”, từ 40 – 50%/năm, cắt lãi ngay khi nộp tiền (dù chưa hoạt động kinh doanh). Đối tượng cũng khuyến khích việc mở rộng mạng lưới huy động vốn bằng cách chi từ 2 – 10% tiền thưởng kết nối, môi giới hợp đồng.
Các bị hại được ký hợp đồng ủy thác cho Hải đầu tư vào các dự án của Cty IDT; Cty CP đầu tư và phát triển Maccadamia Quốc tế (IDMA). Trong hợp đồng, Hải sử dụng con dấu thể hiện mình là TGĐ Cty IDT để tạo sự tin tưởng.
Trên thực tế, Cty IDMA có nhận từ Hải hơn 20 tỷ đồng đầu tư nhưng theo thỏa thuận, từ năm 2013 – 2018 Cty sẽ không chia lợi nhuận do đây là giai đoạn đầu tư. Tương tự, 11 Cty khác Hải đầu tư vào cũng mới thành lập hoặc chưa thể chia cổ tức.
Tuy nhiên, bằng thủ đoạn trên, Phạm Thanh Hải đã huy động được hơn 2.725 tỷ đồng từ hàng nghìn người.
Trong đó, đối tượng đã dùng khoảng 137 tỷ đồng để góp vốn, cho vay; còn lại dùng để thanh toán gốc, lãi cho các hợp đồng đến hạn (lấy của người sau trả cho người trước); chi thưởng kết nối, hoa hồng, hội thảo…
Quá trình điều tra, Hải khai đã thông qua quan hệ xã hội, tổ chức hội thảo và lập trang mạng “hoclamgiau.vn” để các nhà đầu tư biết đến mình. Đối tượng cũng nhận thức các dự án mình biết chưa thể sinh lãi cao nhưng do áp lực phải trả gốc, lãi cho các nhà đầu tư nên Hải buộc phải tiếp tục huy động vốn của những người khác.
Đặc biệt, Phạm Thanh Hải thừa nhận chỉ quan tâm việc cân đối để huy động vốn, hiện tại đã không còn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư.
Đến nay, có 508 bị hại được xác định và họ yêu cầu bồi thường gần 600 tỷ đồng theo hợp đồng thỏa thuận.
Các bị hại khai qua bạn bè, người quen và thông tin trên mạng, họ biết Cty IDT đang triển khai các dự án tiềm năng, dự án trồng cây macca có năng suất cao; Cty đưa ra hợp đồng góp vốn với lãi suất cao… nên ký hợp đồng góp vốn cho IDT qua Hải, không góp vốn cho riêng Hải.
Đáng chú ý, có nhiều người từng từ chối làm việc với cơ quan điều tra và có đơn đề nghị cho Phạm Thanh Hải tại ngoại… Sau đó, họ khai khi Hải bị tạm giam, họ được vợ Hải và các cá nhân tự xưng là đại diện các nhà đầu tư đề nghị ký tên vào đơn đề nghị, hứa khi Hải được tại ngoại sẽ trả tiền.
Khi biết bản chất sự việc, những người này đã khai báo sự việc, đề nghị làm rõ hành vi của Phạm Thanh Hải để xử lý theo quy định.
Với những người tiếp tục xin cho Hải tại ngoại, từ chối làm việc, hợp tác với cơ quan điều tra, phía công an đã tách hồ sơ để xem xét, xử lý sau.
XUÂN ÂN - Báo Tiền Phong