Bình luận về việc vốn Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam trong quý I/2017, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại lo ngại việc các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng tại Việt Nam, đóng mác hàng Việt Nam nhưng khi xuất khẩu các nước lại gây tiếng xấu.

Chuyên gia lo hàng Tàu gắn mác Việt ra thế giới gây tiếng xấu - 0

Nhiều mối lo cho ngành thép Việt

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/3/2017 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam đã vượt qua Nhật Bản, Mỹ và nhiều quốc gia khác, chỉ đứng sau Hàn Quốc và Singapore.

Cụ thể, trong gần 3 tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam hơn 823 triệu USD, với 58 dự án đăng ký cấp mới và 177 lượt góp vốn mua cổ phần.

Tại buổi toạ đàm kinh tế vĩ mô quý I/2017 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức chiều 10/4, nhiều chuyên gia đã đề cập, phân tích rõ thêm về đến vấn đề này.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã xấp xỉ bằng một nửa so với lượng vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước này trông cả năm 2016.

Lý giải về dòng vốn Trung Quốc đang dịch chuyển mạnh sang Việt Nam, ông Thành cho biết:

Giá lao động của Trung Quốc tăng rất nhanh, điều này không chỉ khiến luồng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển khỏi Trung Quốc mà ngay cả các doanh nghiệp Trung Quốc cũng có xu hướng này.

“Về mặt thu hút đầu tư thì các nhà đầu tư Trung Quốc cũng bình đẳng như các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên lâu nay chúng ta vẫn lo ngại rủi ro từ công nghệ cũ lạc hậu hay cách thức làm ăn không minh bạch từ các nhà đầu tư Trung Quốc”, ông Thành nói.

Còn theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, vốn Trung Quốc chúng ta nói nhiều nhưng vẫn không giải quyết được và vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề.

“Không phải Trung Quốc không có công nghệ cao. Sản xuất và xuất khẩu robot của nước này đang đứng đầu thế giới nhưng trong quá trình đưa nền kinh tế của họ lên trình độ cao hơn, cách duy nhất họ làm là chuyển nhà máy cũ, máy móc lạc hậu sang nước khác”, ông Tuyển nói.

Cũng theo vị này, lãnh đạo chúng ta vẫn còn có tư duy nhiệm kỳ. Nếu không thay đổi thì chúng ta sẽ phải nhận rất nhiều hệ lụy từ công nghệ thấp của Trung Quốc.

Nếu Việt Nam không không thay đổi sẽ rất khó kiểm soát.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại lo ngại việc các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất hàng tại Việt Nam, đóng mác hàng Việt Nam nhưng khi xuất khẩu các nước lại gây tiếng xấu.

Cũng theo bà Lan, Trung Quốc đang thặng dư thương mại với hầu hết các nước nên muốn chuyển hàng hóa sang nước khác để giảm thiểu vấn đề này.

"Khi chuyển sản xuất sang Việt Nam, hàng hóa nước này trở thành hàng "Made in Vietnam". Nhưng thời gian, chúng ta thấy vừa qua Việt Nam đã bị Mỹ, Úc nghi ngờ khi một số sản phẩm thép xuất khẩu sang các nước không phải là sản phẩm của Việt Nam”, bà Lan nói.

Vị chuyên gia này cho biết không chỉ Việt Nam mà còn có nhiều nước trên thế giới lo ngại về luống vốn đầu tư Trung Quốc. "Tôi vừa ở châu Phi về. Nhiều nước họ cũng có chung niềm trăn trở như chúng ta về những hàng hóa Trung Quốc làm ở Châu Phi. Các nước khác tăng đầu tư thì mình mừng, còn Trung Quốc thì đáng lo”, bà Lan nói.

Bà Lan cảnh báo nếu Việt Nam tiếp tục nhận nhiều FDI hoặc nhập hàng nguyên liệu, hàng lắp ráp từ Trung Quốc để đóng gói tại Việt Nam thì vô hình trung người được lợi là Trung Quốc, Việt Nam chỉ mang tiếng là nước xuất khẩu hộ, bàn đạp sang các nước khác.

Ngoài ra, qua phân tích số liệu cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc tăng mạnh đầu tư vào Việt Nam chủ yếu qua hai hình thức là rót vốn thực hiện dự án hoặc mua cổ phần doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc thường tập trung vào những lĩnh vực như dệt may, da giày, xơ sợi, nhiệt điện, khai thác khoáng sản... Đây là những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

ADB cảnh báo Việt Nam đừng thành bãi rác công nghệ của Trung Quốc

Theo N.Mạnh

BizLIVE




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC