"Chuyện lạ có thật" trong ngành y tế Thủ đô Là trung tâm chính trị - kinh tế- văn hóa – xã hội của cả nước với 6,6 triệu dân (chưa kể những đối tượng tạm trú, vãng lai, du khách, vv …) nhưng trong ngành y tế Thủ đô đang tồn tại “chuyện lạ” khi mà cả thành phố không có nổi một bệnh viện chuyên khoa nhi!

 Hậu quả là toàn bộ người dân sinh sống ngay tại Thủ đô mỗi khi có bệnh đều đưa con dồn lên tuyến Trung ương, gặp bao khốn khổ!

 
“Trắng” bệnh viện chuyên khoa nhi
 
Hiện nay, toàn thành phố Hà Nội có 6,6 triệu dân; bao gồm 29 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã (10 quận, 18 huyện, 01 thị xã), 577 đơn vị hành chính cấp phường, xã, thị trấn.
 
Chưa hết, mỗi năm, theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, có khoảng 7-10% bệnh nhân ngoại tỉnh khám chữa bệnh ở các bệnh viện ở Hà Nội, trong đó có nhiều đối tượng là trẻ em ngoại tỉnh sinh sống cùng cha mẹ đang làm việc tại Thủ đô.
 
Với quy mô dân số và đặc điểm kinh tế - xã hội như vậy, toàn thành phố chỉ có khoa Nhi của bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn đang “gánh” nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em – hoàn toàn không tương xứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
 
Đó là chưa kể đến chuyện tuy gánh nhiệm vụ nặng nề nhưng khoa Nhi của các bệnh viện này hiện còn hạn chế về trang thiết bị và trình độ chuyên môn của cán bộ, cơ sở vật chất cũng rất chật chội, xuống cấp.
Hầu hết trẻ em đến khám bệnh tại đây đều mắc các bệnh “hắt hơi, sổ mũi” thông thường, còn bệnh nặng là đều đến thẳng bệnh viện tuyến Trung ương.
 
Hậu quả của việc này là góp phần “giúp” bệnh viện Nhi Trung ương thêm quá tải trầm trọng.
 
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày bệnh viện khám cho khoảng 3.000 lượt bệnh nhân, 40 phòng khám luôn hoạt động hết công suất và điểm đáng chú ý là phần nhiều trong số này là các bệnh nhi đến từ Hà Nội.
 
Do điều kiện kinh tế tốt, lại gần gũi nên mắc bệnh nhẹ phụ huynh cũng đưa con vào (bởi không có lựa chọn nào khác), khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Trong khi đó, khu vực điều trị nội trú, có nhiều bệnh nhân nặng mới có nhiều bệnh nhi ở khắp các tỉnh, thành khác (do điều kiện kinh tế, giao thông xa xôi hơn nên chỉ khi có bệnh nặng những đối tượng này mới tìm đến).
 
Trong khi Hà Nội đang “trắng” bệnh viện chuyên khoa Nhi thì tại TP.HCM, hiện đã có 2 bệnh viện chuyên khoa Nhi (Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2) phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố.
 
Xây bệnh viện nhi: Chưa biết tìm đâu ra bác sỹ!
 
Theo đề án quy hoạch phát triển ngành y tế Thủ đô, trong giai đoạn từ 2011-2015, thành phố sẽ khởi động xây dựng bệnh viện Nhi Hà Nội (hiện đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư).
 
Tuy nhiên, vị trí, quy mô và thời gian cụ thể để hoàn thành công việc này hiện vẫn chưa được xác định cụ thể.
 
Đó là chưa kể đến việc xây dựng bệnh viện chuyên khoa nhi không phải chuyện đơn giản nếu không tìm được nguồn vốn. Trên thực tế, Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Mê Linh với quy mô 1.000 giường nhưng hiện đề án này dường như vẫn giậm chân tại chỗ do vướng mắc trong khâu kêu gọi đầu tư dưới hình thức xã hội hóa.
 
Ngoài ra, một vấn đề bức thiết khác được đặt ra là nguồn nhân lực hoạt động trong bệnh viện chuyên khoa nhi này sẽ được lấy từ đâu vẫn còn là một bài toán khó đối với lãnh đạo ngành y tế thành phố.
 
Trong quy hoạch phát triển ngành y tế Thủ đô, Hà Nội cũng đã nêu phương án tìm nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu mở rộng, phát triển ngành y tế như mở rộng đào tạo, liên kết với các trường ĐH, CĐ trên địa bàn, vv … nhưng những biện pháp này ngay cả trên giấy tờ cũng vẫn còn rất mông lung.
 
Trong khi đó, nguồn nhân lực y tế hiện tại của Hà Nội cũng rất đáng báo động. Trong số hơn 13.000 cán bộ y tế của Hà Nội thì có đến gần 60% cán bộ có trình độ trung cấp.
 
Cụ thể, cán bộ y tế thành phố chỉ có 10% cán bộ (1.312 người) có trình độ sau ĐH; 17,2% trình độ ĐH; 1,4% trình độ CĐ và có đến 58,6% có trình độ trung cấp. Trình độ sơ cấp có 2,3% và trình độ khác đạt 10,5%.
 
Theo Vietnamnet.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC