Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được đưa ra Quốc hội và đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận về thời hạn cho nhà đầu tư thuê đất lên đến 99 năm
Thời hạn này thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến - đại biểu Quốc hội trăn trở về khả năng giao đất đến 99 năm ở đặc khu.
Công trình nhà ga sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đang được gấp rút xây dựng - Ảnh: ĐỨC HIẾU
Đồ họa: V.CƯỜNG
Thời hạn sử dụng đất trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là một trong những vấn đề được tranh luận nhiều tại phiên họp ngày 23-5 của Quốc hội.
Cần "bấm nút" riêng quy định 99 năm
Đề nghị cân nhắc thời hạn giao đất 99 năm, đại biểu (ĐB) Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng
"thông lệ chung của thế giới 99 năm là con số tượng trưng cho sự lâu dài vượt quá một đời người, có hàm ý pháp lý là sự tô nhượng hay trao quyền sở hữu đối với lãnh thổ".
Vì vậy, bà Hà lo lắng
"với giá trị thương quyền lớn, các nhà đầu tư sẽ thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, hậu quả là có thể bị sự hấp dẫn của các yếu tố kinh doanh bất động sản chi phối làm cho biến dạng với mục tiêu cam kết ban đầu".
Tương tự, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lên tiếng:
"Tôi đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm, không có vòng đời nào có dự án đầu tư nào hiện nay cần đến 99 năm, thời hạn này thực chất là ưu đãi bổ sung để nhà đầu tư có thể được chuyển nhượng sau khi khai thác xong, hoặc là thay đổi dự án giữa chừng mà không phải trả lại đất".
Ông cho rằng thời hạn này thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến, trong khi có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ tài nguyên của nước khác thì cái họ cần không phải là lợi ích kinh tế mà là lãnh thổ, họ sẽ di dân đến và tìm mọi cách ở lại, thậm chí chi phối chính trị, an ninh...
Cùng một lo ngại, ĐB Dương Trung Quốc "đề nghị khi thông qua dự án luật cần phải "bấm nút" riêng về quy định giao đất 99 năm".
Khu vực cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh, nơi đây sẽ có các dự án khu đô thị thông minh, hiện đại xây dựng sát bên bờ cảng, nhìn ra biển - Ảnh: NGỌC QUANG
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại cho rằng:
"Nếu không giao đất 99 năm thì các nhà đầu tư sẽ không vào. Chúng ta không quá lo ngại, vì tài sản, công trình của họ ở đất nước mình".
Ông Thân cũng cho rằng đừng lo ngại nhà đầu tư dùng dự án để vay vốn, trái lại phải khuyến khích họ.
Trong khi đó, theo ĐB Trần Văn Quý (Hưng Yên), chỉ những dự án rất đặc biệt mới được giao đất 99 năm và thẩm quyền thuộc về Thủ tướng. Để đảm bảo chặt chẽ hơn, ông Quý đề nghị quy định "Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định".
Theo trưởng ban soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng:
"Hiện nhiều nước đã giao đất 99 năm như British Virgin Islands, UAE, Malaysia... Tuy nhiên, ta chỉ để mở nhưng vẫn đang ở điều kiện đặc biệt và phải được Thủ tướng ưu đãi. Như thế nào là đặc biệt và quy trình thủ tục như thế nào, chúng tôi sẽ thiết kế ở quy định sau cho rõ ràng và thận trọng".
Khu vực cảng Vân Phong đang chờ khởi động lại - Ảnh: VĂN KỲ
Không còn nhiều thời gian
"Các ngành nghề ưu tiên với nhiều chính sách ưu đãi mang tính vượt trội cho thấy chủ trương kêu gọi đầu tư rất rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm, tạo giá trị thương mại cao đối với từng đặc khu" - ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận xét về nội dung dự luật.
Ông Tuấn cho rằng "chính sách ưu đãi chưa phải là yếu tố mang tính quyết định mà môi trường đầu tư thông thoáng, bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh gọn... mới quan trọng hơn".
Theo ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), "việc áp dụng mô hình đặc khu kinh tế mà đa số các nước đã xây dựng thành công là một hướng đi mới và có thể coi là giải pháp đột phá cho sự phát triển của kinh tế. Là bước chuyển từ cơ chế thụ động, chờ đợi các nhà đầu tư sang cơ chế chủ động chào mời và lựa chọn các nhà đầu tư".
Còn theo ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), "VN không còn nhiều thời gian để trở thành quốc gia thịnh vượng, bởi đã ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng. Vì vậy cần những đột phá để đổi mới, tinh thần táo bạo, dám nghĩ dám làm được thể hiện trong những quy định vượt trội của dự thảo luật".
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết về cơ chế chính sách thì hướng tiếp cận là tạo lập môi trường, thể chế một cách thuận lợi, điều kiện và thủ tục thật hấp dẫn và thông thoáng.
"Nếu chúng ta không đưa ra được những cơ chế chính sách đủ để hấp dẫn, để lôi kéo và thu hút nhà đầu tư thì mức độ thành công đối với các khu này sẽ giảm đi. Do vậy, tôi thấy các ưu đãi ở đây vẫn phải thiết kế để đủ vượt trội so với trong nước hiện nay và cạnh tranh được với quốc tế, nhưng cũng chỉ đủ để đảm bảo thu hút chứ không lạm dụng việc này" - ông khẳng định.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án luật vào cuối kỳ họp này.
Báo TUỔI TRẺ