Hãng xe ô tô BMW của Đức đang tiến hành các bước để thay đại lý tại Việt Nam. Điều này liên quan đến gần 700 chiếc xe đang bị giữ tại các cảng ở Việt Nam, nghi do buôn lậu. Số xe này ước trị giá lên tới 15 triệu Euro.
700 xe BMW đang ở đâu?
Khoảng 700 xe trị giá 15 triệu Euro đang bị giữ tại các cảng của Việt Nam, chủ yếu là ở TP.HCM. Trong đó có khoảng 470 xe ô tô mang thương hiệu BMW, 78 xe ô tô MINI và 56 xe máy BMW Motorrad.
Ước tính khoảng 450 xe đang nằm phủ bụi tại cảng container Quốc tế Việt Nam (VICT – TP.HCM), 72 xe trong 35 container đang nằm tại cảng CMIT (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Tuy nhiên, nếu đúng lộ trình, số xe này cũng sẽ về cảng đích là VICT. Trong đó, 300 xe chưa làm thủ tục hải quan và trên 130 xe đã làm thủ tục hải quan nhưng chưa thông quan.
Nguồn tin riêng của PV cho biết, hàng trăm xe sang đang nằm phơi mưa nắng thuộc nhiều model khác nhau.
Nổi bật trong số này có những cái tên đình đám như: BMW 116i, 218i Tourer, 520i, 5-Series GT, 320i, 6 Series Gran Coupe, 7-Series, X4, X5... Trong số này, không ít xe đã có chủ. Nhưng khách hàng vẫn chưa thể nhận xe do vướng vào vụ việc 700 xe bị nghi buôn lậu.
Ước tính, số tiền phí lưu kho, bến bãi cho số xe này đến nay vào khoảng hơn 1 triệu USD.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Hồng, trường đại học Công nghệ TP.HCM phân tích: “Thiệt hại liên quan tới số xe này có thể còn lớn hơn nhiều. Bởi, hàng loạt vấn đề sẽ kéo theo. Điển hình như xe bị hư hỏng, xuống cấp do phơi mưa, phơi nắng hay phải bồi thường cho khách hàng theo hợp đồng do không thể giao xe đúng thời hạn. Đó là chưa kể tiền lãi ngân hàng (nếu có) sẽ tăng cao và kéo dài...”.
Khoảng 700 xe trị giá 15 triệu Euro đang bị giữ tại các cảng của Việt Nam
Nhằm giải cứu số xe nói trên, trong cuộc gặp giữa các doanh nghiệp (của Đức) với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đức vào ngày 6/7/2017 vừa qua, ông Karsten Engel, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực ASEAN của tập đoàn BMW đã nêu kiến nghị sớm giải quyết số ô tô nói trên để không bị hủy.
Sau khi nghe nhà sản xuất trình bày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần thiết phải thay đại lý. Ngoài ra, Chính phủ sẽ điều tra và xử lý nghiêm để đảm bảo môi trường đầu tư, quyền lợi của các bên.
Nguồn tin của PV cho biết thêm, từ nay đến hết năm 2017, tập đoàn BMW châu Á (BMW AG) sẽ phối hợp với công ty cổ phần Ô tô Âu Châu (EAC) làm việc với các cơ quan chức năng để lên phương án kiểm tra, bảo dưỡng cho số xe còn nằm tại các cảng.
Ngoài khoảng 700 xe ô tô đang bị “giam” tại các cảng sẽ được phía BMW tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, ông Paul de Courtois, Tổng Giám đốc BMW AG cũng nêu rõ các dịch vụ hậu mãi đối với các sản phẩm của hãng ở Việt Nam.
Vị này cho biết: “Khách hàng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Cho đến khi có thông báo mới, EAC sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ hậu mãi chất lượng cao cho tất cả khách hàng hiện tại của BMW, MINI và BMW Motorrad tại Việt Nam”.
Lên phương án “giải cứu”
Cũng liên quan tới số xe này, ngày 30/11/2016, bộ Tài chính đã có công văn hỏa tốc yêu cầu tổng cục Hải quan ngừng thông quan toàn bộ số xe BMW nhập khẩu của EAC. Theo đó, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Qua công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra về công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hoạt động nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của EAC, chúng tôi xác định đã có các sai phạm”.
Cụ thể, EAC đã tự ý tiêu thụ hàng hóa (ô tô nhập khẩu BMW) khi chưa được cơ quan hải quan cho thông quan trong thời gian được giao bảo quản chờ hoàn thành việc thông quan theo quy định. Đồng thời, EAC cố ý không cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và các hồ sơ, chứng từ, tài liệu của ô tô BMW do công ty nhập khẩu, có dấu hiệu gian lận lừa dối khách hàng. Mặt khác, công ty còn sử dụng tài liệu giả như hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại... để nhập khẩu ô tô BMW.
Sau đó không lâu, cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, bộ Công an) đã khởi tố 3 bị can và bắt tạm giam một số người liên quan, trong đó có ông Nguyễn Đình Thảo, Tổng Giám đốc EAC để điều tra.
Nhìn nhận về động thái thay thế đại lý tại Việt Nam của BMW, chuyên gia Nguyễn Minh Hồng cho rằng:
“Nếu các bên tiến hành những bước thực hiện lộ trình nói trên thì số phận hàng trăm xe sang đang nằm phủ bụi tại các cảng của Việt Nam đã có hướng giải quyết và sáng sủa hơn. Điều này có lợi cho BMW khi muốn thâm nhập trở lại thị trường Việt Nam sau sự cố, nơi đang có xu hướng tìm đến dòng xe đẳng cấp này. Họ vừa khởi động lại vòng quay, đồng thời vừa giữ được giá trị thương hiệu của mình”.
C46 đã khởi tố 3 bị can và bắt tạm giam một số đối tượng, trong đó có ông Nguyễn Đình Thảo, Tổng Giám đốc EAC để điều tra. |
Hải quan chưa nhận được thông báo Liên quan đến vụ việc này, PV đã liên hệ với ông Lê Đình Lợi, Cục phó cục Hải quan TP.HCM. Ông Lợi cho biết: “Phía nhà sản xuất muốn tiếp cận số xe nói trên phải có ý kiến từ bộ Tài chính, tổng cục Hải quan và cơ quan điều tra. Đến nay, cục Hải quan TP chưa nhận được thông báo nào”. |
Nguồn: Người đưa tin