“Xin cho chúng tôi cơ hội, thời gian để khắc phục khuyết điểm”
Chiều tối 17/3, Đảng ủy Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp tục quán triệt Kết luận 21-KL/TW và Quy định số 37-QĐ/TW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh, đã đến lúc những người làm công tác đăng kiểm phải soi xét lại, quán triệt lại tư tưởng nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng và nhận thức rõ 27 biểu hiện suy thoái và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Phó Chủ tịch Công đoàn Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Văn Phương chia sẻ, thực tế công việc đăng kiểm "bây giờ quá nóng".
Phó Chủ tịch Công đoàn Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Văn Phương (Ảnh: N. Huyền)
Ông Phương cho rằng, những sai lầm, sai sót tại Cục Đăng kiểm vừa qua đã là quá khứ không thể thay đổi được. Nhưng ngành Đăng kiểm có thể thay đổi hiện tại để tương lai có một quá khứ tốt đẹp hơn.
"Đăng kiểm đã nhận ra sai lầm rồi. Để đào tạo ra đội ngũ đăng kiểm viên quả không hề dễ dàng nhưng gần 500 con người đã dính vòng lao lý thực sự rất đau xót. Do vậy, chúng tôi mong dư luận xã hội, các cơ quan cấp trên cho chúng tôi cơ hội, thời gian để khắc phục khuyết điểm và được đền đáp những mong mỏi của người dân", ông Phương nói.
Ông Vũ Ngọc Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Cục Đăng kiểm VN cũng nhìn nhận: Quả thực khó có lời lẽ nào biện minh được cho những sai phạm của một số đơn vị đăng kiểm.
Với thái độ nghiêm túc, cầu thị, ông Huy cho biết, những người làm công tác đăng kiểm hôm nay mong muốn những sai phạm, lỗi lầm chỉ là quá khứ. Theo đó, lực lượng đăng kiểm đã và đang chứng minh bằng những hành động rất thiết thực để cống hiến, sửa đổi, để mong được người dân và xã hội “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại”.
Bài học đau xót
Trong phần trình bày các nội dung chuyên đề, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, vụ việc xảy ra ở ngành đăng kiểm thời gian qua và đến nay chưa kết thúc là điều đáng tiếc, không ai mong muốn. Điều này dẫn tới hệ luỵ cho cả xã hội; việc đăng kiểm xe, tàu cho người dân bị ách tắc.
Theo ông Phúc, việc các cơ quan chức năng xử lý, truy tố số lượng lớn lãnh đạo, cán bộ, đăng kiểm viên trong toàn ngành là đúng tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ai vi phạm thì xử lý nghiêm theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, sự việc không phải xảy ra với tất cả cán bộ, đăng kiểm viên. Do đó, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng, trước tình hình hiện nay, cần nhận thức và đánh giá đúng thực trạng của ngành đăng kiểm để phát huy ưu điểm; khắc phục, sửa chữa ngay khuyết điểm, hạn chế nhằm củng cố, phát triển ngành đăng kiểm với truyền thống, vị trí, vai trò của ngành đăng kiểm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Gần 500 cán bộ, đăng kiểm viên dính vòng lao lý là bài học đau xót. (Ảnh: N. Huyền)
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời báo chí trước đó, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, hơn lúc nào hết ngành giao thông cần quan tâm đến yếu tố con người.
Theo ông Nhưỡng, nếu chỉ quan tâm đến năng lực, tay nghề, biết sử dụng kỹ thuật ra sao thì chưa đủ.
“Tâm của con người, ý thức của con người, đạo đức công vụ của đăng kiểm viên, đạo đức nghề nghiệp của đăng kiểm viên mới là quan trọng. Phải làm sao để đăng kiểm viên khi ký xác nhận cho phương tiện đủ điều kiện lưu thông không đúng thì lương tâm áy náy”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo ông Nhưỡng, bài học của Cục Đăng kiểm là rất đau xót. Bài học về quản lý, thanh tra, kiểm tra về duy trì trật tự pháp luật.
“Các ngành khác chớ vội cười đăng kiểm, trong đất nước ta còn nhiều ngành khác, nhiều lĩnh vực khác cũng cần lấy bài học từ đăng kiểm là bài học xương máu trong thực hiện quản lý Nhà nước.”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet