Từ gái nghèo lên nữ hoàng vũ trường
Vũ nữ Cẩm Nhung sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng có một thời niên thiếu êm đềm bên hồ Hoàn Kiếm, cùng những dãy phố cổ của Hà Nội-36 phố phường. Khi đôi má của cô gái tuổi 15 ửng hồng trước gió mùa đông bắc và e lệ trước lời “ ông bướm” của các chàng “công tử Hà Thành” Cẩm Nhung phải lưu luyến rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam.
Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống vừa ổn định, cha của Cẩm Nhung đã qua đời vì bạo bệnh, gia đình chỉ còn lại ba người phụ nữ: người mẹ, bà vú tên Sọ và Cẩm Nhung.
Không có điều kiện đi học tiếp, Cẩm Nhung xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng. Từ một cô tiếp viên chuyên bưng bê món ăn, cô đã làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hang khi vắng khách. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trong giai đoạn phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ của sài Gòn thưở ấy, với hàng trăm vũ trường đã đua nhau như nấm mọc sau mưa trên đất Sài Gòn của thập niên 60.
Gái nhảy không đủ đáp ứng, vì vậy mà vũ nữ Cẩm Nhung rất có giá, nhất là cô sở hữu khuôn mặt và vóc dáng hoàn hảo cùng những bước nhảy uyển chuyển, điệu nghệ và rực lửa. Với nét kiêu sa của cô gái gốc Hà thành, Cẩm Nhung đã “đốt tiền” hàng chục đại gia, làm say đắm nhiều sĩ quan-khách làng chơi. Do đó mà Cẩm Nhung được các vũ trường săn đón như một thần tài đến vũ trường, vì nơi nào có mặt vũ nữ Cẩm Nhung là nơi đó đông khách đại gia, kéo theo đám sĩ quan giàu có và đám bảo kê du thủ du thực thì tránh xa vì sợ ăn “kẹo đồng”.
Đi qua khắp các vũ trường, cuối cùng, Cẩm Nhung chọn vũ trường Kim Sơn làm điểm dừng, một mặt vì vũ trường này rất sang trọng, hơn nữa là vì ở đó, Cẩm Nhung đã “chấm” tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức vừa là bạn nhảy, vừa là bạn tình mà sau này là Cẩm Nhung sẽ chung sống suốt đời (?!).
Thu tâm sự rằng: “Con Cẩm Nhung có lợi thế hơn người, bởi nó vừa trẻ lại vừa đẹp và nhảy hay. Mặc dù về Kim Sơn chưa đầy một năm, vậy mà ticket (vé) của con nhỏ đã tăng lên vùn vụt”. Vũ trường Kim Sơn cũng là nơi Cẩm Nhung gặp gỡ mối tình oan khiên với tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức lớn hơn cả chục tuổi, khiến đời cô chìm vào tăm tối.
Nói về Cẩm Nhung, tài-pán Marie Sang, người quản lí vũ trường có tiếng hồi đó kể lại: “Tội nghiệp con Cẩm Nhung lắm. Nó là đứa nhỏ nhất trong đám đệ tử của em ngày ấy. Nhưng nó rất biết điều, sống có tình và tha thiết với một mong ước là ngày nào đó sẽ rời ánh đèn mờ vũ trường để kiếm một tấm chồng giản đơn. Tiếp đó, nó sẽ sống như bà mẹ hiền hậu của mình…”. Tuy nhiên, ước mơ giản dị ấy chưa kịp thành hình thì cuộc đời Cẩm Nhung rẽ sang một hướng khác đầy bi kịch sau ngày 17 tháng 7 năm 1963 định mệnh.
Nở một cuộc tình, tan một đời hoa
Nói về mối tình của trung tá Thức và Cẩm Nhung. Thời ấy, “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức) nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn. Trung tá Thức tuổi ngoài 30, đam mê nhảy đầm. Từ trước đến nay chưa có vũ nữ nào là mối ruột của ông nhưng chỉ gặp Cẩm Nhung lần đầu, ông đã say mê như điếu đổ.
Từ đêm đó, mỗi lần ông đến Kim Sơn là có Cẩm Nhung kề cận. Sau đó họ có những cuộc hẹn hò, những lần đi chơi với nhau. Cách đối xử của ông làm cho Cẩm Nhung cảm phục và mặc dù thừa biết ông đã có gia đình cô vẫn sẵn lòng làm người vợ ngoài giá thú.
Vợ trung tá Trần Ngọc Thức có biệt danh là Năm Rađô đã vài lần đón đường hăm dọa, thậm chí tát tai dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung, nhưng bấy nhiêu đó không đủ làm cho cô gái trẻ rời xa chồng bà. Trong cơn ghen mù quáng, bà đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hai tên giang hồ có cỡ được bà Năm Rađô thuê với giá 2 lượng vàng để làm cái việc hủy diệt nhan sắc của cô vũ nữ.
Khoảng 22 giờ đêm ngày 17.7.1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô.
Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.
Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến, họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại dưới đường, mùi axít xông lên hôi nồng. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân lên xe taxi, chở đến Bệnh viện Đô Thành (Bệnh viện Sài Gòn ngày nay). Do Bệnh viện Đô Thành không có khả năng trị bỏng, nhất là bỏng axít, nạn nhân sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay).
Những người bạn vũ nữ của Cẩm Nhung đến thăm, thấy cảnh sát hại dã man, đã hùn tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa vụ việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy thế lực của “Thức công binh” và bà Năm Rađô rất mạnh ở Sài Gòn, nên tưởng như không ai làm được gì họ. Vụ việc đến tai bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu. Đích thân bà Trần Lệ Xuân cũng đã đến thăm và đưa Cẩm Nhung sang nước ngoài chữa trị. Nhưng do vết thương quá nặng nên các bác sĩ ở đây cũng không thể giúp cô.
3 tháng sau ngày xảy ra vụ việc, một phiên tòa được mở công khai để xử nhưng người gây ra thảm cảnh cho vũ nữ Cẩm Nhung. Kẻ chủ mưu là bà Nguyệt và tên tạt axit thuê phải nhận bản án 20 năm tù cho mỗi người. Kẻ đồng lõa nhận án 15 năm.
Tuy nhiên, vụ án sau đó bị đình lại rồi rơi vào quên lãng, bà Trần Lệ Xuân phải lưu vong ở nước ngoài, lời hứa bao bọc Cẩm Nhung đến suốt đời của bà Xuân cũng gác lại. Gia đình trung tá Thức đổ vỡ. Ông tiếp tục sống một cách khép kín. Vợ ông, bà Nguyệt vào chùa để sống hết những ngày còn lại.
Mất chỗ bấu víu, hận đời hận người, Cẩm Nhung chán nản lao vào đập phá, nghiện ngập, hút thuốc, uống rượu… Sau khi tiêu tán hết tài sản và hai người thân nhất qua đời, năm 1969, Cẩm Nhung phóng tấm ảnh có cô và trung tá Thức mang trước ngực lê la khắp các đường phố Sài Gòn để khất thực.
Lần đầu tiên - trước tết năm 1969, cô đến khu vực chợ Bến Thành. Ngồi bên vệ đường Lê Lợi với chiếc lon phía trước và tấm ảnh trên ngực, Cẩm Nhung bắt đầu chuỗi ngày ăn xin. Người Sài Gòn hay tin kéo nhau đến xem và giúp cô được khá nhiều.
Cẩm Nhung lê bước hành nghề khắp nhiều tuyến đường ở Sài Gòn sau đó về bến phà Mỹ Thuận ở miền Tây. Bị đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật nhưng cô trốn ra tiếp tục ăn xin và mất tăm một thời gian sau đó.
Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh để chấm dứt kiếp hồng nhan bạc phận của mình. Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo.
Cô ngồi bên vệ đường Lê lợi, khăn che kín mặt mày, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, trước mặt là vỏ hộp sữa cô chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường.
Đúng 50 năm sau vụ đánh ghen, vào đầu năm 2013, Cẩm Nhung qua đời tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ. Cô được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa... kết thúc cuộc đời đầy hào quang nhưng thấm đẫm nước mắt của cô vũ nữ lừng danh nửa thế kỷ trước.
Nguồn: Afamily