Cười "vỡ bụng" khi nghe tiểu thương rao hàng thời khó Khách hàng đi ngang chưa hết nín cười với lời rao của hàng quần Jean “Nam có, nữ có, pê đê cũng có” thì lại thêm “choáng” với lời rao của hàng bên cạnh “hàng xịn giá như giẻ rách! Quần áo thời trang 50 ngàn cũng có”.

 Khi kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trở nên kén chọn thì dân buôn bán cũng nghĩ ra nhiều chiêu "quảng cáo" để lôi kéo khách hàng. Dùng lời rao độc lạ để thu hút khách hàng được tiểu thương tại các chợ hay hàng quán nhỏ lẻ ở TPHCM tận dụng triệt để. 

“Nam có, nữ có, pê đê cũng có”

Chợ đêm Hạnh Thông Tây (Gò Vấp, TPHCM) được xem là điểm mua sắm nhộn nhịp về đêm dành cho người dân thành phố, đặc biệt là đối tượng công nhân và sinh viên. Nhưng thời buổi khó khăn, người đi ngắm hàng thì đông, người mua thì ít, để sạp nhà mình được chú ý, tiểu thương áp dụng đủ cách "chơi nổi" như treo đèn nháy, treo biển giá rẻ... trước cửa hàng. 

Gần đây, một trong những “đặc sản” của chợ đêm này là lời rao của nhân viên bán hàng. Đi từ đầu đến cuối chợ, khách hàng khó mà nín được cười khi nghe nhân viên bán hàng mời mọc bằng đủ lời rao độc lạ. Nhân viên các cửa hàng đua nhau dốc hơi gào thét để lôi kéo sự chú ý của khách đi chợ, nhiều nơi nhân viên còn cầm loa mời gọi.  

Ồn ã nhất là ở khu vực bán quần áo, lời rao của nhân viên các cửa hàng như đan xen vào nhau. Họ đứng trước gian hàng, vẫy tay và khoe tài bằng lời chào mời bên nào lớn hơn, hấp dẫn hơn. Khách hàng đi ngang chưa hết nín cười với lời rao của hàng quần Jean “Hàng độc, hàng độc, nam có, nữ có, pê – đê cũng có” thì lại thêm “choáng” với lời rao của hàng bên cạnh “Hàng xịn giá như giẻ rách! Quần áo thời trang 50 ngàn cũng có”.

Ở cuối chợ, nơi bán những mặt hàng tiêu dùng lặt vặt như khăn, khẩu trang, đồ nhựa… cũng trở nên sôi động chưa hẳn do cảnh mua bán mà lại nhờ những lời chào hàng của người bán. Người đàn ông bán đồ nhựa tay lựa hàng cho khách, miệng không ngừng mời mọc: “Hàng chìm tàu vớt vào giá rẻ như cho. 5 ngàn 1 cái mua dô, mua dô”.

Không chỉ ở chợ đêm, tiểu thương tại nhiều khu chợ khác ở TPHCM hay cả những người bán dạo cũng nghĩ ra đủ cách mời khách hàng trong thời điểm người bán đông, người mua kén.

Tại đường Lý Thường Kiệt, Q.5 vào những lúc cao điểm như đầu giờ đi làm hoặc tan sở, người đi đường có thể bắt gặp nam thanh niên bán áo sơ mi dạo đứng gào thét “khoe” áo 20.000 đồng/chiếc. Lâu lâu, anh ta lại trổ tài ăn nói: “Áo 20 ngàn, quý ông mặc vào gái mê. Chị em mua tặng, lo ngay giữ chồng”. Nhiều người nghe vậy bật cười nhưng cũng có người lắc đầu ngán ngẩm.

Tự “mua vui” là chính?

Nếu như trước đây, công việc của nhân viên bán hàng chủ yếu là để tư vấn, hỗ trợ khách hàng thì hiện nay nhân viên bán hàng tại TPHCM còn phải kham thêm nhiệm vụ lôi kéo sự chú ý của người mua. Những lời rao ít nhiều tạo được sự tò mò để khách hàng dừng chân nhưng nhiều nhân viên thừa nhận rao mời khách nhưng thật ra để tự mua vui là chính.

Nguyễn Văn Thiện, bán hàng quần áo tại chợ đêm Hạnh Thông Tây cho hay việc buôn bán khó khăn, nhân viên rảnh việc tràn ra trước cửa hàng để chèo kéo khách, nghĩ ra đủ kiểu chào hàng để rao… cho vui. “Hàng bán khó, ngồi nhìn nhau thì buồn nên rao vậy cho bớt rầu. Khách thấy mình nhiệt tình, vui vẻ thì người ta cũng thích vào xem hàng hơn. Mà có vào xem thì may ra người ta mới chịu bỏ tiền ra mua hàng”.

Theo Thiện việc mời mọc kiểu “mua vui” thế này chưa chắc đã hiệu quả nhưng cũng ít gây khó chịu cho khách hơn kiểu lôi tay, lôi chân ép người ta vào xem hàng.

 

Cười

Thời khó khăn, quảng cáo kiểu nào cũng có. 

Cùng với lời rao của nhân viên, tại nhiều hàng quán trên đường phố, nhất là hàng quán nhỏ lẻ cũng dễ thấy nhiều lời mời chào độc đáo và lạ đời như “Không mua chết liền”, “Không bỏ tiền hối lỗi một đời”, “Đảm bảo ăn vào không chết!”...

Nói về những lời chào hàng hết hồn như vậy, anh Lê Văn Thảo, chủ chuỗi thời trang trên đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10 phân tích, những lời chào lạ đời có thể làm khách tò mò muốn thử. Đây là trong những chiêu có thể lôi kéo khách hàng ghé thăm nhưng điều quan trọng với người tiêu dùng lúc này là họ đòi hỏi giá cả thấp nhưng chất lượng phải đảm bảo. Còn khi hàng hóa, sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu đó thì theo ông chủ này, có chào mời thế nào cũng khó có hiệu quả mà còn gây khó chịu cho người tiêu dùng. 

Những lời rao, lời quảng cáo, chào hàng độc, lạ được dân buôn áp dụng khắp nơi cũng phần nào cho thấy sự khó khăn trong việc kinh doanh buôn bán khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. 

Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC