Nếu như các nhà khoa học có thể chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt thì đó là điều rất đáng quý với tất cả nông dân ĐBSCL.
Nông dân tự thân vận động
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn năm 2016 diễn ra sớm hơn 2 tháng so với thông thường và chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn.
Hiện nay, nó đã ăn sâu vào đất liền tại khu vực các cửa sông: Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu, sông Cái Lớn, trong đó khu vực sông Vàm Cỏ có phạm vi xâm nhập vào đất liền diễn ra nặng nề nhất, tới 90 – 93km, sâu hơn trung bình nhiều năm 10 – 15km.
Một số tỉnh có xâm nhập mặn đến mức báo động là Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…Cụ thể, ở Sóc Trăng, độ mặn cao nhất đo được tại Đại Ngãi là 11,6‰, tại Trần Đề 26,6‰, tại Thạnh Phú 16‰.
Nước mặn vào sâu đến 80km, mức ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, thế nhưng, để ứng phó và sống chung với việc nước ngập mặn xâm lấn, nhiều hộ nông dân tại Sóc Trăng đã chuyển đổi mô hình trồng lúa sang mô hình nuôi tôm xen lúa, thu được nhiều lãi suất.
Chia sẻ kinh nghiệm với Đất Việt, anh Triệu Xuân Hó (tên thường gọi Út Lợ) ở ấp Hòa Phước, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nói:
"Nuôi tôm nước mặn trong ruộng trồng lúa cũng không quá khó, kinh nghiệm quan trọng nhất là trước khi chuẩn bị thu hoạch lúa thì phải làm cho kỹ phần bùn đọng lại, phải cạo bỏ sạch, chỉ để đất cứng.
Lúa chết vì nhiễm mặn trên nhiều cánh đồng ĐBCSL
Sau đó xuống vôi đá một ít, 5kg/1000m2 để rửa các chất dơ, chất bùn còn bám lại ở đất. Mấy năm nay giá lúa quá thấp nên chúng tôi cũng chuyển đổi sang mô hình xen canh lúa - tôm".
Theo ông Út Lợ chia sẻ thì 1 năm gia đình ông nuôi được 3 vụ tôm, nếu thuận lợi hết trừ các chi phí nuôi, chăm sóc thì cũng lãi được vài trăm triệu, nếu nghịch tôm chết nhiều thì cũng chỉ lãi ít.
Nhưng do có nhiều kinh nghiệm, cũng như có điều kiện, nên gia đình ông Út Lợ vẫn thường xuyên có lãi nhờ nuôi tôm. Trong khi, nông dân các khu vực xung quanh cũng làm, nhưng tỷ lệ thất bại rất nhiều.
"Một năm tôi thu hoạch khoảng 30 tấn tôm, giá thành và đầu ra rất ổn định, các đại lý trên địa bàn cũng lấy thường xuyên. Hiện nay, tôm sú loại 50 con/kg thì giá 150-200.000đ/kg. Còn loại tôm sú 30 con/kg cũng được 310.000đ/kg.
Tính ra lợi nhuận thu được tốt hơn trồng lúa rất nhiều, 1 năm thu được 10 tấn lúa cũng chỉ đủ để ăn, chứ chi phí rất cao, trước đây các vụ thu hoạch nhân công giá chỉ 170.000đ/vụ, bây giờ thì 700.000đ/vụ, thậm chí còn không có người làm, vì tất cả đều đi thành phố làm ăn kinh tế, nên tính ra giá nhân công quá đắt, mà lợi nhuận từ lúa quá thấp", ông Út Lợ phân tích.
Qua nhiều năm nuôi tôm trong nước mặn, ông Út Lợ nói rõ, cần đảm bảo 4 yếu tố:
"Thứ nhất, chọn giống tốt, không nên mua tôm rẻ, phải có nguồn gốc rõ ràng, bình thường tôi mua tôm giống vẫn đắt hơn so với các hộ gia đình khác khoảng 50 - 60 đồng. Sau khi mua xong, tôi đưa đi xét nghiệm rồi mới thả xuống ao.
Nhưng nhiều hộ dân ở đây thì ham của rẻ, cứ mua tôm ít tiền, nên tỷ lệ chết rất nhiều, trong khi, giống tôm trôi nổi hiện nay quá nhiều, dịch bệnh tràn lan, lỗ lại hoàn lỗ. Riêng khoản chi cho việc mua giống tôm cũng lên tới 60 - 70 triệu đồng/1 vụ.
Thứ hai, nước để nuôi tôm, trước khi lấy vào ao, phải đo độ mặn, độ phèn, tất cả cân bằng rồi xử lý. Ngay sau đó, thả thử tôm xem có chịu được môi trường đó hay không, gặp khó khăn vấn đề gì thì bổ sung thêm, các hóa chất sử dụng trong nuôi tôm phải tùy theo nguồn nước.
Đặc biệt, phải đảm bảo đủ độ khoáng chất cần thiết để tôm có thể sinh trưởng tốt, quan trọng nhất là độ mặn phù hợp, cao quá thì tôm sẽ dễ chết, kém phát triển hoặc dịch bệnh.
Thứ ba, trong quá trình nuôi tôm phải xem nước hơi rút xuống thì phải có ao lắng lớn, chứa 5000-7000 khối nước, để tiếp nước trong suốt quá trình nuôi. Với nước ở ao chứa bổ sung thì phải để nước lắng trong, rồi xử lý trong 24h hoặc 36h rồi mới chuyển qua ao đang nuôi tôm.
Thứ tư, nuôi tôm rất cần củng cố thành ao vững chắc, chứ chỉ làm hời hợt thì trúng 1 vụ, thua 2 - 3 vụ cũng không chừng".
Theo ông Út Lợ cho biết, thì hàng năm, riêng vấn đề trồng cây lúa thì cũng có các nhà khoa học Canada, Anh qua hướng dẫn, cùng với kỹ sư Hồ Quang Cua người có nhiều năm kinh nghiệm trong phát triển cây lúa tới hỗ trợ về kỹ thuật.
Riêng con tôm thì cũng có các kỹ sư ở trung tâm thủy sản, khuyến nông, khuyến ngư tới, nhưng người dân khó làm theo, vì kỹ thuật này khá khó.
Chính vì thế, nếu được các nhà khoa học giúp đỡ, tạo điều kiện hơn nữa, thì đó là điều người dân mong mỏi, nhưng tốt nhất là nên chia sẻ kinh nghiệm về việc chọn giống, xử lý ao và nước sao cho hợp lý nhất, đây là cái khó nhất.
Đặc biệt, là cách để làm sao khi thu hoạch xong vụ tôm, xử lý ao và đưa nước ngọt vào tiếp tục trồng vụ lúa, đó là điều cần thiết.
Đặt niềm tin vào các nhà khoa học
Cũng là một trong những hộ dân thành công với mô hình nuôi tôm xen lúa, Anh Bách, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng bày tỏ: "Chúng tôi vẫn đang áp dụng mô hình 1 tôm, 1 lúa, nuôi tôm là để tận dụng nguồn nước mặn, nhưng người dân chưa có nhiều kinh nghiệm, nên rủi ro vẫn rất cao.
Tuy nhiên, rất nhiều vùng theo hệ thống lúa - tôm của Sóc Trăng hiện nay giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa. Sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa.
Vẫn biết, nuôi tôm thì hiệu quả cao hơn trồng lúa, vì tận dụng nước mặn, người nông dân có thu nhập thêm, nhưng độ rủi ro vẫn cao vì thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật".
Ông Bách nói: "Về lĩnh vực chuyên môn bà con nông dân rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các bên khuyến nông, khuyến ngư cũng từng xuống trao đổi,nhưng dưới tác động môi trường nó không được thuận tiện, nên lý do nuôi tôm rủi ro càng cao, bà con nuôi cũng dè dặt.
Cho nên nếu như các nhà khoa học mà có thể giúp người dân chuyển được nước mặn thành nước ngọt thì quá tốt.
Bởi hiện nay không chỉ nước cho canh tác, mà nước sinh hoạt hiện nay cũng đang thiếu trầm trọng. Nuôi tôm trong nước mặn quá thì tôm chậm lớn, dịch bệnh dễ bùng phát, qua nhiều vụ thì độ mặn tích tụ, canh tác lúa cũng có khó khăn, đòi hỏi thời gian rửa mặn lâu, phải làm kỹ mới hiệu quả.
Nếu các nhà khoa học có thể giảm độ mặn thành nước ngọt, thì người dân sẽ canh tác tôm -lúa bền vững, ngoài ra còn giúp người dân trồng được nhiều cây trồng khác, chỉ cần độ mặn giảm xuống dưới 1/1000".
Đồng tình với ông Bách, ông Út Lợ cho rằng, người dân ĐBSCL nói chung, người dân Sóc Trăng nói riêng đang từng ngày đối diện với hiện tượng nước ngập mặn xâm nhập, không chỉ đứng nhìn mà người dân đã tìm cách sống chung, dựa vào nó để phát triển sản xuất, đó là một sự cố gắng đáng ghi nhận.
"Chúng tôi cũng mong muốn, các nhà khoa học với kiến thức của mình hãy tìm cách chuyển được nước ngọt thành nước mặn, khi đó, cuộc sống người dân sẽ không còn bị đe dọa bởi hiện tượng ngập mặn xâm lấn ngày càng sâu như hiện nay", ông Út Lợ nhấn mạnh.
Châu An/Baodatviet.