Đắk Lắk: Nhọc nhằn cuộc sống đằng sau bục giảng của giáo viên cắm bảĐằng sau mỗi buổi dạy học trên lớp, cuộc sống thường nhật của họ còn bao thứ phải lo toan, phần lớn phải “tự cung, tự cấp” bởi nơi họ công tác là một buôn nghèo của người đồng bào dân tộc thiểu số nằm xa tít giữa núi rừng heo hút. 

 Đó là câu chuyện có lẽ ít người biết của các giáo viên cắm tại buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Trong 7 điểm trường của Trường tiểu học Lý Tự Trọng (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) thì điểm trường buôn Đắk Sar khó khăn nhất, cách xa điểm trường chính hơn 30km đường bộ, lại lọt thỏm như ốc đảo dưới chân đèo Đắk Nuê (xã Đắk Nuê) bốn mùa mây phủ.

Buôn Đắk Sar hiện đang có hơn 100 em học sinh cấp tiểu học. Thương các giáo viên không có chỗ tá túc, đầu năm học mới 2012, người đồng bào H’mông, Tày có con em theo học tại điểm trường đã hợp đồng dựng lên một túp lều tranh xập xệ rộng khoảng 20m2 cho 4 giáo viên có chỗ trú ngụ, ở lại buôn giảng dạy.

Căn lều tranh trống trải có 2 cái sạp tre tạm bợ được dùng làm giường sinh hoạt, cái bàn gỗ cũng được chở từ điểm trường chính Lý Tự Trọng cách đó hơn 30km đường rừng vào cho các cô soạn bài. Tuy nhiên khi trời làm mưa, căn nhà này cũng không che chắn trọn vẹn cho các giáo viên bởi nước mưa thường “tấn công” từ nóc nhà khiến sách vở, áo quần, đồ đạc thường bị ướt sũng, buộc các giáo viên phải căng bạt ny-lon để hứng. Do căn nhà được kết cấu tạm bợ chỉ đơn thuần “che mưa, che nắng” bởi vậy khi mùa mưa bão đến các giáo viên nơm nớp lo sợ căn nhà đổ sập trên đầu.

 

Đắk Lắk: Nhọc nhằn cuộc sống đằng sau bục giảng của giáo viên cắm bả_0

Đắk Lắk: Nhọc nhằn cuộc sống đằng sau bục giảng của giáo viên cắm bả_0

Căn nhà mái tranh tạm bợ được người dân dựng lên cho các giáo viên cắm bản dạy học tại buôn.

 

Hôm đó chúng tôi ở lại Đắk Sar trong tiếng mưa rừng không dứt, núi rừng sương trắng phủ kín lạnh lẽo. Lâu lâu tiếng thú rừng trên núi lại hú lên từng hồi, đêm về cả bản lại tối như bưng, những ngọn đèn dầu chập chờn đom đóm lại được chong lên, nhiều hộ gia đình người đồng bào ở đây thậm chí không có đèn dầu, chấp nhận “sống chung” với bóng tối mù mịt khi đêm về. Dù đã quen với cuộc sống phố sá nhộn nhịp, đèn điện lung linh nhưng khi vào đây công tác, các giáo viên buộc phải chấp nhận cuộc sống không ánh điện, soạn bài bên ngọn đèn dầu leo lét.

Buôn Đắk Sar chỉ vỏn vẹn hơn 300 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, ở đây không quán sá, chợ búa… khiến cuộc sống của các giáo viên cắm bản phần lớn phải “tự cung, tự cấp”. Sau mỗi buổi học trên lớp, 2 - 3 cô giáo lại cùng nhau leo bộ lên chân núi ở cuối buôn hái măng rừng mang về ủ chua, làm giấm. Đồng thời mang theo dao chặt gỗ lồ ô trên đồi gùi về làm củi đun, mùa mưa lũ đến củi rừng thường bị ướt, những cơn mưa rừng lại kéo dài dai dẳng buộc họ phải chất từng đống cao bên bếp lửa hàng giờ để sưởi. Gạo, cá khô, mì tôm và một số nhu yếu phẩm khác… được các giáo viên chuẩn bị từng bao nhỏ cột chặt trên xe máy chở vào buôn dự trữ từ đầu tuần.

Số “lương thực” này được tích trữ, tính toán chi ly cho từng bữa ăn để tránh cảnh thiếu hụt giữa chừng. Những hôm nào “cạn” thức ăn các giáo viên lấy đậu tương, măng rừng, mì tôm… ăn tạm qua ngày thay thế. “Những hôm không có gì để ăn, tụi em lại ăn mì tôm, mỗi người một bát. Có măng rừng, đậu tương ăn kèm cũng qua ngày”, cô Ngô Thị Thương (quê Hà Tĩnh) cho biết.

 

 

Đắk Lắk: Nhọc nhằn cuộc sống đằng sau bục giảng của giáo viên cắm bả_2

Đắk Lắk: Nhọc nhằn cuộc sống đằng sau bục giảng của giáo viên cắm bả_2

Đắk Lắk: Nhọc nhằn cuộc sống đằng sau bục giảng của giáo viên cắm bả_4

Bữa cơm của giáo viên cắm bản.

 

Những ngày mùa mưa con đường dẫn vào buôn Đắk Sar tính từ quốc lộ 27 (đường đi Lâm Đồng) quả lắm gian nan. Mưa xuống, đường sá nhầy nhụa rồi những chiếc xe công-nông, xe ba-gác chở nông sản chạy ngang dọc khiến con đường hơn 10km bị xới tung, sụt lún như chiến hào. Cho nên để không bị ngã người dân ở đây thường lắp ráp thêm 2 sợi dây xích ở 2 lốp xe để tăng độ bám, tuy nhiên, không hề dễ khi đi trên con đường này. “Mùa mưa thì lo đường sá lầy lội, mùa nắng thì lo khói bụi. Mùa nào cũng khổ…!”, cô giáo Triệu Thị Hằng (quê Cao Bằng) - một giáo viên cắm bản lâu nhất tại buôn Đắk Sar, tâm sự.

Được biết, đã có 6 giáo viên “đầu hàng” xin thôi dạy tại điểm trường buôn Đắk Sar do “không chịu nổi” sự gian khó. Tuy nhiên, năm học này một số giáo viên mới được điều động vào buôn giảng dạy, dù cuộc sống giáo viên cắm bản khó khăn nhưng họ vẫn nhiệt huyết mang con chữ đến với các em học sinh người đồng bào nơi đây. “Học sinh buôn Đắk Sar dù nhà nghèo nhưng hiếu học. Giáo viên tụi em sao nỡ lòng bỏ các em mà về xuôi được! Chỉ mong các cấp, các ngành quan tâm hơn đối với bản nghèo hiếu học nơi đây…”, cô Hằng thật tình nói.

Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC