Đà Nẵng bị đốc thúc bỏ quy định siết nhập cư Cục trưởng Lê Hồng Sơn lo ngại nếu UBND Đà Nẵng không sửa quy định hạn chế quyền tự do của công dân khi tạm dừng nhập cư với một số trường hợp sẽ tạo tiền lệ xấu cho nhiều địa phương.

Nghị quyết 23 của HĐND thành phố Đà Nẵng được thông qua cuối tháng 12/2011 có đề cập việc “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án tiền sự”; “đối với học sinh chưa đủ tuổi theo quy định đi xe máy thì xử phạt nặng và tạm giữ xe 60 ngày”; “tạm dừng đăng ký mới với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ”.
Vài tháng sau (4/2012), Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) “tuýt còi” 3 điểm trên vì cho rằng pháp luật. Với nội dung “tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án tiền sự”, cơ quan kiểm tra văn bản khẳng định không có bất kỳ quy định nào cho phép HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền để tước đoạt hay ngăn cản quyền lợi hợp pháp của công dân.
 
Ngay sau đó trao đổi với VnExpress, Giám đốc Sở tư pháp TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho rằng “việc tạm dừng đăng ký thường trú mới tại khu vực nội đô để xin chỉ đạo của cấp trên là không trái luật”. Đà Nẵng đang hạn chế nhập cư tại hai quận trung tâm là Thanh Khê và Hải Châu.
 
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng vấn đề "siết" nhập cư theo Nghị quyết 23, Ủy ban Thường vụ không bác bỏ mà còn xem là tiền đề đưa vào chương trình bàn thảo sửa Luật. "Đà Nẵng hạn chế nhập cư không phải là tẩy chay dân nhập cư. Thành phố vẫn thực hiện thu hút nhân tài và đến nay đã tuyển hơn 2.000 trí thức người ngoài tỉnh vào biên chế, không quan trọng là người ở địa phương nào nhưng đã nhập cư vào trung tâm thành phố là phải có công việc ổn định", ông Thanh nói.
 
Trong 3 vấn đề của Nghị quyết 23 bị "tuýt còi", vào tháng 7, Đà Nẵng đã tự xử lý 2 nội dung. "Riêng việc tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có tiền án, tiền sự lại không được Đà Nẵng tự xem xét, xử lý theo đề nghị của Cục", tiến sĩ Lê Hồng Sơn trao đổi với VnExpress ngày 21/8.
 
Viện dẫn chỉ đạo của Thủ tướng với Đà Nẵng "trong thời gian chờ ý kiến của Chính phủ về những vấn đề liên quan đến quy định của pháp luật về cư trú, yêu cầu thực hiện nghiêm túc, thống nhất các quy định của Luật Cư trú và Nghị định 56/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2007/NĐ-CP", ông Sơn cho rằng Đà Nẵng chưa làm đúng với yêu cầu.
 
Ông lo ngại, việc Đà Nẵng tiếp tục thực hiện quy định tạm dừng nhập cư sẽ tạo ra tiền lệ không tốt. Nếu nội dung của Luật Cư trú được xem xét tạm dừng thì HĐND thành phố Đà Nẵng hoàn toàn có thể tạm dừng quy định của các luật khác.
 
"Hiệu lực hệ thống pháp luật của các cơ quan Trung ương sẽ gặp khó khăn khi thực thi tại Đà Nẵng... Các địa phương khác có thể tự lập luận, cân nhắc việc tạm dừng (hay triển khai thực hiện nghiêm túc) các quy định của cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương. Nguyên tắc pháp chế bị vi phạm", ông Sơn nói.
 
Cục Kiểm tra văn bản đang tham mưu Bộ trưởng Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc đình chỉ đối với nội dung “tạm dừng nhập cư” trong Nghị quyết 23 và báo cáo Ủy ban thường vụ.
 
Theo VNE.



 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC