Chỉ 5 chất vấn bằng văn bản, 7 ý kiến nêu tại hội trường trong thời gian ngắn ngủi bằng nửa quy định, song phiên đăng đàn của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu có phần nặng nề trước sự truy vấn trách nhiệm từ phía đại biểu về hệ quả của chính sách tiền tệ, tỷ giá với doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Quốc hội gợi ý Thống đốc Ngân hàng về chuyện từ chức
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhậm chức tháng 8/2007, giữa lúc nền kinh tế đã bộc lộ những dấu hiệu khó khăn. Ảnh: Như Trang.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là thành viên Chính phủ thứ năm giải trình trình trực tiếp trước Quốc hội kỳ này và là người thứ hai đăng đàn sáng nay. Ông dành hơn 20 phút báo cáo chi tiết về việc thực hiện lời hứa từ kỳ họp thứ ba và đưa ra số liệu thống kê tỉ mỉ về tình hình hoạt động của các ngân hàng thương mại hiện nay, cho thấy rõ tinh thần trách nhiệm và sự am hiểu tường tận, nắm chắc vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Tuy nhiên, trong 40 phút ít ỏi còn lại, đại biểu vẫn yêu cầu Thống đốc Nguyễn Văn Giàu giải thích rõ hơn về cơ chế điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ, cũng như trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước về những hệ lụy của các chính sách, cho dù các đại biểu đều hiểu đó là các biện pháp cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao.

Nữ doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Nguyệt Hường căn vặn điều hành tỷ giá thời gian qua còn lúng túng, khó dự đoán khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu lao đao. Có lúc tỷ giá ngoài thị trường tự do bị đẩy lên cao, cách xa giá ngân hàng, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn đôla theo giá ngân hàng. Doanh nghiệp cũng bị sốc khi chính sách tiền tệ bị thắt chặt đột ngột và kéo dài, khó tiếp cận vốn vay.

"Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành tỷ giá thời gian qua và dự báo xu hướng điều hành tỷ giá thời gian tới. Chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ như thế nào để vừa kiểm soát lạm phát vừa chống giảm phát", đại biểu Nguyệt Hường chất vấn Thống đốc.

Chúc mừng Thống đốc vừa được bầu giữ chức Chủ tọa Hội nghị Hội đồng Thống đốc của IMF và WB năm 2009, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương yêu cầu làm rõ sự bất hợp lý khi ngân hàng đổ vốn vào mảng rủi ro là bất động sản, chứng khoán giữa lúc vốn phục vụ cho sản xuất khan hiếm. Theo đại biểu Hương, trong bối cảnh doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, việc áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng 30% cào bằng cho tất cả các ngân hàng là không hợp lý.

Đại biểu Vi Thị Tuyết thắc mắc về chuyện ngân hàng nhanh chóng tăng cao lãi suất cho vay khi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất cơ bản, nhưng khi lãi suất cơ bản điều chỉnh giảm, lãi suất cho vay trong các hợp đồng thỏa thuận vay vốn trước đây không được điều chỉnh theo, tạo sự bất bình đẳng trong quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng.

Phần chất vấn của các đại biểu nữ không gay gắt bằng các nam nghị sĩ. Cả hai đại biểu nam đứng lên phát biểu sáng nay đều truy trách nhiệm cá nhân của Thống đốc và các bộ phận tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước để đưa ra các biện pháp với liệu lượng lớn, thời điểm áp dụng đột ngột và kéo dài.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn than phiền câu hỏi chất vấn của mình gửi từ trước vẫn chưa được trả lời bằng văn bản và trách khéo Thống đốc dành nhiều thời gian cho phần trình bày đầu tiên trước khi trả lời trực tiếp. Ông còn đưa ra dẫn chứng cụ thể để chứng minh chính sách của Ngân hàng Nhà nước có phần đột ngột và liều lượng lớn.

Trong bối cảnh giá cả tăng cao, yêu cầu quan trọng với Ngân hàng Nhà nước là hút bớt tiền từ lưu thông để kiểm soát lạm phát. Bên cạnh quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước còn phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu bắt buộc và yêu cầu huy động đủ sau một tháng kể từ ngày ban hành quyết định (13/2). Để có đủ vốn mua tín phiếu và gửi dự trữ, các ngân hàng phải chạy đua huy động, đẩy lãi suất tăng cao, kéo theo đó là tăng chi phí vốn vay của doanh nghiệp.

Biện pháp quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần kiềm chế lạm phát. Song theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn, nó khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, không kham nổi lãi suất cao và dù chấp nhận cũng không thể vay vì ngân hàng đang thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp vì thế bị đình trệ sản xuất, đứng trước nguy cơ phá sản. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thậm chí phải gửi văn bản khẩn cấp đề nghị các ngân hàng có biện pháp tháo gỡ.

"Tôi băn khoăn không biết khi ban hành văn bản với thời gian thực hiện gấp gáp và liều lượng cực lớn như vậy, Ngân hàng Nhà nước và Thống đốc có tiên lượng được những ảnh hưởng cực lớn với doanh nghiệp? Nếu không tiên lượng được, cho thấy năng lực yếu kém và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Nếu tiên lượng được mà vẫn quyết định, thì trách nhiệm còn lớn hơn nữa. Trong trường hợp không thể cứu nguy cho hệ thống doanh nghiệp dẫn tới chuyện phá sản hàng loạt, Thống đốc có nghĩ tới chuyện mình phải từ chức?", đại biểu Nguyễn Hồng Sơn thẳng thắn nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu không tỏ ra bối rối trước câu hỏi sốc của đại biểu Nguyễn Hồng Sơn và nhiều ý kiến chất vấn gai góc khác, trong lần đăng đàn thứ ba này kể từ ngày nhậm chức vào tháng 8/2007. Ông điềm đạm tổng hợp ý kiến của các đại biểu và chia thành các nhóm vấn đề để trả lời, với những dẫn chứng cụ thể, mạch lạc, ngắn gọn.

Theo Thống đốc, tỷ giá được xây dựng trên cơ sở quan hệ cung cầu thị trường và lấy xuất khẩu là động lực. Nhiều năm qua, chính sách điều hành tỷ giá đều có ý hỗ trợ xuất khẩu. Năm ngoái, đồng tiền các nước mất giá, tạo sức ép tăng giá đồng nội tệ, nhưng đồng Việt Nam vẫn duy trì giữ giá hoặc mất giá. Tình hình biến động mạnh vào đầu năm nay. Trong hai tháng 4-5, nhập siêu tăng nhanh, tác động tới kinh tế vĩ mô, Chính phủ và các thành viên đã bàn tìm các biện pháp hạn chế, song bị vướng nhiều quy định WTO. Vì vậy, tỷ giá là một trong những biện pháp quan trọng. Bản thân Ngân hàng Nhà nước luôn sát sao phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi diễn biến thị trường để điều hành cho phù hợp. Một phó thống đốc đã được phân công làm việc hằng ngày cùng thứ trưởng Bộ Công Thương về tỷ giá.

Về chính sách tiền tệ, theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu không phải là quá bất ngờ. Ông lấy ví dụ khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Nhà nước đã công bố quyết định một tháng trước khi áp dụng. Phát hành tín phiếu bắt buộc là biện pháp quan trọng để hút tiền từ lưu thông và trước khi triển khai đã có trao đổi với các ngân hàng.

Ông chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, song đưa ra những số liệu cho thấy khó khăn đó không phải phổ biến trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Thực tế là các ngân hàng vẫn xem xét cho vay với những hồ sơ đảm bảo đủ điều kiện. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 30% được đưa ra nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, và là tỷ lệ bình quân cho toàn hệ thống, chứ không phải áp dụng cho từng ngân hàng như ý kiến đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương nêu. Ông cho biết thêm, trên 20 ngân hàng trong toàn hệ thống đã cho vay vượt tỷ lệ 30%.

Riêng mảng cho vay bất động sản và chứng khoán, ông Giàu thừa nhận các ngân hàng có phần mạnh tay, song Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát được. Đến nay, dư nợ cho vay bất động sản toàn quốc vào khoảng 115.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân và doanh nghiệp như vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa, hay đầu tư xây dựng chung cư, văn phòng cho thuê... Dư nợ cho vay chứng khoán giảm mạnh từ trên 20.000 tỷ đồng xuống còn hơn 6.000 tỷ đồng.

Những thắc mắc của các đại biểu về bất hợp lý trong thỏa thuận lãi suất cho vay, giải pháp điều hành sao cho vừa kiểm soát lạm phát và chống thiểu phát... đều được Thống đốc Nguyễn Văn Giàu giải đáp gọn gàng trong ít phút còn lại của phiên chất vấn.

Tuy nhiên, ông không hề đề cập tới gợi ý từ chức của đại biểu Nguyễn Hồng Sơn. Phần chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi còn 3 đại biểu đăng ký mà chưa được đặt câu hỏi. Chiều nay, Quốc hội sẽ chuyển sang phần chất vấn Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân.

Song Linh
VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC