Vô tư hoạt động
Xã Cư Dliê Mnông là một trong những địa phương có nhiều lò đốt than nhất của huyện Cư M’gar. Theo thống kê hiện xã Cư Dliê Mnông có 35 lò than đang hoạt động.
Tuy nhiên trong số đó có nhiều hộ không được cấp phép, không có hồ sơ môi trường nhưng họ vẫn tiến hành xây dựng lò, đốt than và không bị xử lý. Là hộ có 4 lò than hoạt động không phép, ông Lưu Tiến Hiệp (trú tại thôn 5, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết:
Tôi có ra xin xã và huyện cấp phép cho đốt than, nhưng họ không cho. Các ông không cấp phép là chuyện của các ông, còn chuyện đốt than là chuyện của tôi.
Tôi không làm gì phạm pháp thì chẳng có gì mà phải sợ.
Theo ông Hiệp: Hiện 4 lò than đều đang hoạt động trong tình trạng không phép, lò ít nhất là 8 tấn còn nhiều nhất là 12 tấn. Mặc dù không được chính quyền địa phương cho phép nhưng gia đình tôi vẫn làm, người ta đốt được thì tôi đốt được. Tôi đốt giữa vườn tôi, đất nhà tôi, tôi không làm gì sai thì ai dám xử phạt.
Ông Hiệp còn khẳng định, ở đây có hàng chục hộ không có giấy phép mà vẫn hoạt động bình thường và không bị ai xử lý. Không chỉ xây dựng, đốt than không phép mà hiện ông Hiệp vẫn đang tiếp tục đầu tư làm quy mô hiện đại để sản xuất.
Trao đổi với PV, ông Y Minh Niê, Chủ tịch UBND xã Cư Dliê Mnông cho biết,
hiện trên địa bàn xã có 13 chủ lò than với 35 lò đang hoạt động, trong đó chỉ có 3 chủ được cấp phép. Địa phương chỉ kết hợp với cơ quan chức năng của huyện đi kiểm tra chứ không có chức năng xử phạt.
Chúng tôi mong muốn sắp tới các hộ có lò than trong khu dân cư nên di dời sớm để tránh gây ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Ông Hiệp tiếp tục cải tạo lò mới dù không có phép.
Cần giải quyết triệt để
Bà Nguyễn Thị Liên - cán bộ địa chính xã Cư Dliê Mnông cho biết, mới đây, khi có phản ánh của người dân, phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đã xuống cùng với địa phương đi kiểm tra hoạt động đốt than của gia đình ông Hiệp.
Lò than hộ ông Hiệp năm 2016 đã kiểm tra và không có cam kết môi trường nên huyện đã ra quyết định đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên đến nay các lò của ông Hiệp vẫn tiếp tục hoạt động.
Hiện việc xử lý đang chờ ý kiến của huyện. Ông Trần Tuấn Ngọc - trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Cư M’gar cho biết: Hoạt động đốt than củi đã diễn ra nhiều năm trước.
Năm 2014, khi một số hộ xây lò, lực lượng chức năng huyện đã xuống kiểm tra và tiến hành tháo dỡ một số lò không phép. Tuy nhiên đến nay, nhiều lò vẫn hoạt động lén lút, trái phép khiến cho chính quyền rất khó khăn trong xử lý. Cụ thể đối với hộ ông Lưu Tiến Hiệp, năm 2016 sau khi phát hiện hoạt động không phép, đoàn kiểm tra đã lập biên bản và đình chỉ hoạt động của cơ sở này.
Tuy nhiên mới đây lại phát hiện ông Hiệp tiếp tục đốt than, phòng đã tiến hành xử phạt hành chính ông Hiệp 3 triệu đồng. Đầu năm 2018, kiểm tra lò than của ông Đoàn Bằng Giang, phát hiện có 4 lò đang hoạt động, phòng cũng đã tiến hành lập biên bản và ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng vì chưa hoàn thiện hệ thống xử lý bụi và khí thải trong quá trình hoạt động đốt than củi.
Trao đổi, ông Đoàn Bằng Giang thắc mắc: Việc xử phạt của lực lượng chức năng huyện Cư M’gar đã công tâm chưa khi ông có đầy đủ giấy phép hoạt động đốt than củi và có bản cam kết môi trường nhưng vẫn bị xử phạt nặng trong khi các hộ khác hoạt động không phép chỉ bị xử phạt nhẹ?
Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng huyện Cư M’gar cần mạnh tay hơn nữa trong xử lý và có giải pháp hợp lý nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường.
Cần yêu cầu các cơ sở sản xuất than củi trên địa bàn huyện ký cam kết cải tiến công nghệ sản xuất than củi thân thiện với môi trường; tiến hành lắp đặt hệ thống phun sương để hạn chế bụi, khí phát sinh gây ô nhiễm; sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp…
Nguồn: Đại đoàn kết