Nhìn cảnh bệnh nhân chui gầm giường, xếp hàng như cá hộp của hôm nay, có lẽ phải can đảm lắm, bất đắc dĩ lắm người dân mới dám ốm để được... đi đày như thế.

 

"Mười năm trước, ta có một người bạn thân nằm ở ung bướu giường trệt, ta vào thăm, đang đứng nói chuyện thì thấy nhột nhột ở chân. Ta nghĩ ở bệnh viện thì làm gì có nuôi chó, nghĩ thế ta vẫn đứng yên.

Lại nghe nhột nhột lần nữa, chịu không được nên lui ra tí và ngó xuống, thấy một bệnh nhân khoảng 70 tuổi nằm dưới gầm giường, thều thào nói:

"Chú ơi đứng xịch ra ngoài tí cho tôi ra".

Đây là một comment của bạn đọc phía dưới bức ảnh nữ y tá cúi người tiêm cho bệnh nhân đang nằm dưới... gầm giường Bệnh viện (BV) Ung bướu đang gây bão mạng suốt từ hôm qua.

Đau quá. Nhưng suy cho cùng, điều đó đúng.

Chỗ của bệnh nhân không phải là vỉa hè, hành lang, ghế đá, cửa nhà WC, càng không phải là gậm giường.

Thưa các bạn, năm 2013, cũng ở BV Ung bướu này, Bộ trưởng Y tế đã sửng sốt xót xa trước cảnh các bệnh nhi "bò từ gậm giường ra chào Bộ trưởng"!

Năm ấy, bà choáng! Năm ấy, chính Bộ trưởng cũng nhận ra rằng "không khác gì trại tị nạn, đến đêm vẫn không còn một chỗ trống, người nhà bệnh nhân không còn nơi để ngủ”.

Dân giờ không cả dám ốm, thưa bà Bộ trưởng Y tế! - 0


Năm ấy, BS Lê Hoàng Minh - Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM - nói như bất lực:

“Bệnh nhân không có chỗ nằm, mang tiếng là đến BV để nằm điều trị, nhưng thực chất là họ “ngồi” để điều trị”.

Nghĩ quá thảm. Giường thực kê của BV chỉ có 631 chiếc nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú luôn lên đến 1.800 người và ngoại trú 9.510 người.

5 năm đã trôi qua, chúng ta được nghe rất nhiều những lời hứa, nghe rất nhiều cam kết, nghe rất nhiều biện pháp.

Và 5 năm qua, vẫn là cảnh gậm giường, hành lang, vỉa hè, ghế đá, cửa nhà WC, và gậm giường. Thê thảm đến mức dân "chẳng dám ốm nữa"!

Nhưng có lẽ, nên cảm thông với các từ mẫu, nên cảm thông với bà Bộ trưởng dù suy cho cùng, người phải chịu trách nhiệm đầu tiên, và rút cục không ai khác vẫn là bà.

Bởi sao! Bởi không một bác sĩ nào muốn nhìn thấy cảnh bệnh phòng ngổn ngang chen chúc và náo loạn không khác gì một cái... trại tị nạn.

Không một bộ trưởng nào không đau lòng khi "tình trạng cá hộp" vẫn như một sự bất lực. Nhưng một bộ trưởng thì làm được gì!

Sao giờ đây tôi ao ước có một vị thần đèn đến thế.

Bởi chỉ có một thần đèn mới biến những cổng chào 300 tỷ thành những bệnh viện. Chỉ có thần đèn mới biến những trụ sở- trạm kiểm soát ngót 60 tỷ (như ở Lạng Sơn) trở thành những bệnh phòng. Chỉ có thần đèn mới khiến bệnh viện thôi trở thành những tượng đài lưu danh nỗi khốn khó.

 

Nguồn: Anh Đào
Báo Lao Động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC