Dân "lửng lơ" chật vật tìm đường làm sổ đỏ Dù UBND Hà Nội liên tục “thúc” các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ nhưng nhiều gia đình đang ở nhà tự quản (được công ty phân đất) vác đơn đi mọi nơi đều bị từ chối. Nhiều năm nay họ phải sống kiếp “ở nhờ” ngay trên mảnh đất của mình.

 Bi kịch “ở nhờ” trên đất của mình

12 hộ gia đình sống ở khu nhà tập thể đội xe 306, Công ty vận tải ô tô Số 3 (xã Đại Mỗ, Từ Liêm) được cấp đất 15 năm nhưng không làm được sổ đỏ. Hệ lụy các hộ dân phải chịu đựng là không được cấp phép xây dựng, không được cải tạo nhà ở hoặc có cải tạo lại nhà thì làm lén lút… vì không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để người dân ổn định cuộc sống, năm 2003, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Quý Đôn đã có văn bản yêu cầu Công ty Vận tải ô tô số 3 hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 12 hộ gia đình cán bộ, công nhân viên, trước ngày 30/6/2003. Yêu cầu của thành phố là vậy, nhưng 9 năm đã qua, người dân ở đây vẫn phải chờ…

“Dân chúng tôi chẳng ai muốn phạm luật, nhưng vì nhà không có sổ đỏ làm gì chúng tôi cũng phải lén lút như kẻ trộm. Trong khi đó gia đình đi cầu cạnh khắp nơi để làm sổ nhưng không được. Tới cơ quan chức năng thì họ bảo phải có hồ sơ của Công ty Vận tải ô tô số 3 trình UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hết cách chúng tôi lại đành quay về đợi công ty”, Vũ Tuấn Anh, người dân sống ở tập thể đội xe 306 cho biết.

Sau vụ cháy khu nhà gỗ C8 (tập thể Hàm Tử Quan - phường Chương Dương), UBND quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố Hà Nội thu hồi toàn bộ 8 khu nhà gỗ còn lại. Kiến nghị này khiến hàng trăm hộ gia đình sống tại đây thêm lo lắng về chính sách thu hồi liệu có làm họ thiệt thòi. Lý do khiến người dân băn khoăn là họ sống ở đây gần nửa thế kỷ nhưng gần như không có giấy tờ, sổ sách liên quan đến căn hộ.

Bà Phạm Thị Đạm Nga ở phòng 37, nhà B7 được Công ty thực phẩm Tông Đản phân căn phòng từ năm 1967. Sống ở đây 45 năm nhưng không có giấy tờ gì chứng minh căn phòng là của mình. “Có đất, có nhà nhưng không được làm sổ đỏ nên gần nửa thế kỷ qua chúng phải sống kiếp “ở nhờ” ngay trên mảnh đất của mình. Nhiều người chuyển nhượng quyền sử dụng như làm chui Nhà nước”, bà Nga bùi ngùi nói.

Người dân trong khu nhà B7 cũng như bà Nga đều rất muốn làm sổ đỏ để căn hộ được Nhà nước giao chính thức thuộc quyền sở hữu của mình. Tuy nhiên, 45 năm qua, chưa cơ quan nào đề cập đến chuyện cấp sổ đỏ cho nhà bà Nga đang ở. Nhiều nhà muốn thế chấp căn hộ để vay tiền ngân hàng làm ăn thoát nghèo cũng không được. Khi công ty Thực phẩm Tông Đản giải thể, bà Nga cho biết, mọi thứ gần như buông xuôi, không ai có trách nhiệm gì nữa.

Chính quyền yêu cầu công ty cũng không làm

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng hợp chưa đầy đủ từ các quận huyện cho biết, thành phố đang có hơn 12.000 hộ đang ở nhà có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước nhưng nay không còn cơ quan quản lý, cũng chưa tiến hành kê khai theo yêu cầu của thành phố. Vì thế, chưa có cơ sở để thành phố tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận.

Dân

Nhiều gia đình phải sống kiếp “ở nhờ” ngay trên mảnh đất của mình

Dù rất muốn cấp sổ đỏ cho người dân để tiện cho việc quản lý, song chính quyền đành “bó tay” với diện nhà còn cơ quan quản lý nhưng chưa bàn giao cho thành phố. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ Nguyễn Minh Giảng cho biết, chính quyền cũng rất muốn làm sổ đỏ cho dân. Tuy nhiên, xã chỉ có trách nhiệm thông báo làm sổ đỏ cho dân ở làng xóm diện đất thổ cư. Còn thủ tục cấp sổ đỏ cho các hộ dân sống khu đất thuộc diện tự quản như ở Công ty Vận tải ô tô số 3 phải do chính công ty này làm. “Chúng tôi đã nhiều lần mời lãnh đạo Công ty Vận tải ô tô số 3 lên trao đổi về việc làm thủ tục, tạo điều kiện cấp sổ đỏ cho dân, không hiểu lý do gì đến nay vẫn chưa làm được”, ông Giảng nói.

Theo ông Giảng, việc không được cấp sổ đỏ đã vô tình làm khó dân trong việc cấp phép xây dựng. Nhiều người phải sống trong ngôi nhà xuống cấp nhiều năm nhưng không được cấp phép xây dựng. Nhiều người dù không muốn phạm luật nhưng vì cuộc sống vẫn lén lút xây dựng buộc chính quyền xã phải xử lý.

Ngoài khu đất của Công ty Vận tải ô tô số 3, trên địa bàn xã Đại Mỗ còn có hơn 20 hộ gia đình đang ở khu nhà của Công ty Viễn Thông được cấp đất nhiều năm chưa làm sổ đỏ. “Chúng tôi buộc phải khoanh khu đất này lại để đôn đốc công ty làm thủ tục cấp sổ đỏ cho dân”, phó Chủ tịch xã Đại Mỗ Nguyễn Viết Hùng chia sẻ.

Nhiều khu nhà vì không có cơ quan quản lý từ nhiều năm nay (do cơ quan đã giải thể hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động, cổ phần hóa) nên coi như bị mất gốc. Trong nhiều năm, các khu nhà này đều có hiện tượng mua đi bán lại bằng giấy tờ viết tay, hoặc xây dựng không phép, sai phép... nên càng khó cho chính quyền xét cấp giấy chứng nhận.

Theo Dân trí.

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC